Theo một số thống kê thì cứ 7 phụ nữ mang bầu sẽ có 1 trường hợp gặp phải tiểu đường thai kỳ. Cho nên, việc nắm rõ cách thử tiểu đường thai kỳ tại nhà sẽ giúp các bà mẹ chủ động thời gian và kiểm soát được các chỉ số, đảm bảo được sức khỏe của mẹ và sự phát triển của thai nhi.
Tiểu đường thai kỳ là gì?
Tiểu đường thai kỳ (đái tháo đường thai kỳ) xảy ra khi việc dung nạp glucose bị rối loạn, tình trạng này thường khó phát hiện bởi không có triệu chứng gì đặc biệt. Tiểu đường thai kỳ thường xảy ra ở 3 tháng đầu của thai kỳ và tự hết sau thời gian sinh 6 tuần.
Tiểu đường thai kỳ sẽ có thể xuất hiện với bất kỳ ai nếu không kiểm soát được mức độ dung nạp glucose, nhưng những trường hợp sau đây sẽ có khả năng bị tiểu đường thai kỳ cao hơn người bình thường:
- Người bị cao huyết áp;
- Người bị béo phì, thừa cân;
- Người có tiền sử bị đái tháo đường trong gia đình;
- Việc dung nạp glucose có tiền sử không bình thường;
- Người trên 35 tuổi có nguy cơ bị tiểu đường thai kỳ cao hơn;
- Những bà mẹ đã từng: Thai chết lưu hoặc liên tiếp bị sảy thai mà không rõ nguyên nhân, sinh non, thai dị tật;
- Người có những hội chứng về buồng trứng đa nang.
Hàng năm, có 3 – 7% trong tổng số các phụ nữ mang thai mắc phải tình trạng tiểu đường thai kỳ. Nên nếu không theo dõi và chữa trị kịp thời sẽ gây ảnh hưởng đến mẹ và thai nhi.
Liệu tiểu đường thai kỳ có nguy hiểm không?
Tiểu đường thai kỳ làm tăng nguy cơ bất lợi cho sức khỏe của cả mẹ bầu và thai nhi. Những tác động đó bao gồm:
Ảnh hưởng của tiểu đường thai kỳ đối với mẹ bầu
Tiểu đường thai kỳ có thể dẫn đến một số trường hợp xấu như:
- Tăng huyết áp và từ đó gây ra tiền sản giật, tai biến mạch máu não, suy thận, suy gan, nặng hơn nữa là bị sảy thai. Vì vậy, việc kiểm tra huyết áp, theo dõi cân nặng tại nhà cho các thai phụ tiểu đường thai kỳ là rất cần thiết.
- Sinh non do nhiễm trùng tiết niệu, đa ối hoặc viêm đài bể thận, kiểm soát glucose huyết muộn.
- Ngoài ra, thai phụ còn có khả năng mắc tiểu đường type 2 trong tương lai và tăng nguy cơ bị tiểu đường thai kỳ trong những lần mang bầu tiếp theo. Sau sinh, những người bị tiểu đường thai kỳ có xu hướng dễ bị béo phì, tăng cân không kiểm soát.
Sự nguy hiểm của tiểu đường thai kỳ đối với thai nhi
Thai nhi bị ảnh hưởng bởi tiểu đường thai kỳ chủ yếu ở ba tháng đầu và ba tháng cuối thai kỳ với một số tác động bất lợi sau:
- Từ tuần thứ 6 đến tuần thứ 7 của 3 tháng đầu, thai có thể không phát triển, sảy thai tự nhiên, dị tật bẩm sinh.
- Giai đoạn 3 tháng cuối thai kỳ gặp phải hiện tượng tăng trưởng quá mức khi mà insulin của thai nhi tăng. Hoặc gặp phải các bệnh lý chuyển hóa ở trẻ sơ sinh, vàng da, tăng hồng cầu, hội chứng nguy kịch hô hấp.
- Khi lớn, trẻ sẽ có khả năng sớm bị mắc bệnh đái tháo đường type 2, rối loạn tâm thần – vận động. Những đứa trẻ sinh ra trong trường hợp mẹ mang thai mắc tiểu đường thai kỳ có nguy cơ tiểu đường cao hơn và nguy cơ đó tăng gấp 8 lần từ 19 đến 27 tuổi.
Với những nguy hiểm xảy ra với mẹ bầu và thai nhi như trên thì việc thường xuyên thử tiểu đường thai kỳ là rất cần thiết. Ngoài cách đến các bệnh viện hay cơ sở y tế để thực hiện xét nghiệm thì các mẹ bầu có thể tìm hiểu cách thử tiểu đường thai kỳ tại nhà và thông báo với bác sĩ trong lần khám định kỳ gần nhất.
Cách thử tiểu đường thai kỳ tại nhà như thế nào là đúng?
Phương pháp xét nghiệm tiểu đường thai kỳ tại nhà được áp dụng phổ biến nhất là sử dụng máy đo đường huyết, vì nó có chi phí hợp lý, dễ thực hiện và mang lại kết quả chính xác tương đối cao.
Để đảm bảo được kết quả chính xác nhất khi thử tiểu đường thai kỳ tại nhà thì sau đây là thời điểm được cho là thích hợp đối với các mẹ bầu:
- Trước lúc ăn;
- Sau lúc ăn từ 1 – 2 giờ.
Đối với một số trường hợp đặc biệt, thời điểm sẽ được bác sĩ chỉ định riêng.
Cách thử tiểu đường thai kỳ tại nhà bằng máy đo đường huyết gồm những bước cơ bản như sau:
- Đảm bảo hạn dùng của que thử. Đọc cách sử dụng que thử đối với máy đo đường huyết.
- Vệ sinh nơi muốn lấy máu (thường sẽ là đầu ngón tay) bằng cồn (nếu có), hoặc rửa sạch, sau đó lau khô để tránh ảnh hưởng tới kết quả xét nghiệm. Dùng kim chích vào mép ngoài cạnh đầu ngón, nặn nhẹ cho lấy đủ giọt máu.
- Đặt que thử vào đúng vị trí ở máy đo theo hướng dẫn, sau đó nhỏ giọt máu vào đầu que thử rồi chờ kết quả sau 5 – 45 giây. Kết quả xét nghiệm được coi là bình thường khi hiển thị trên máy như sau:
- Chỉ số đường huyết lúc đói: ≤ 92 mg/dl (gần đúng với 5.1 mmol/l).
- Chỉ số đường huyết sau ăn 1 giờ: ≤ 180 mg/dl (gần đúng với 10 mmol/l).
- Chỉ số đường huyết sau ăn 2 giờ: ≤ 153 mg/dl (gần đúng với 8.5 mmol/l).
- Sau khi có kết quả, ghi vào sổ nhật ký theo dõi đường huyết. Thông báo với bác sĩ sớm nhất nếu các chỉ số bất thường.
Lưu ý: Vứt que thử, đầu kim chích đúng nơi. Tuyệt đối không sử dụng lại kim chích cho lần thử sau hay bất cứ việc gì khác để tránh bị nhiễm khuẩn.
Những thai phụ thuộc trong nhóm đặc biệt dưới đây thì cần thường xuyên thực hiện kiểm tra đo đường huyết tại nhà:
- Phụ nữ đang dùng insulin;
- Khó kiểm soát mức đường huyết;
- Người có đường huyết thấp, đặc biệt là những người không có dấu hiệu cảnh báo;
- Nhiễm toan ceton, lượng đường trong máu cao do axit trong máu sản sinh nhiều.
Cách thử tiểu đường thai kỳ tại nhà sẽ giúp mẹ bầu chủ động thời gian. Tuy nhiên, đối với một số trường hợp đặc biệt, bệnh nhân cần đến gặp trực tiếp bác sĩ để đảm bảo được hiệu quả, trao đổi nếu có trường hợp bất thường xảy ra để tránh gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của mẹ và thai nhi.
Với những thông tin được cung cấp trong bài viết này, Nhà thuốc Long Châu đã giải quyết được những thắc mắc về các vấn đề: “Tiểu đường thai kỳ là gì? Những trường hợp nào có nguy cơ cao bị tiểu đường thai kỳ? Cách thử tiểu đường thai kỳ tại nhà như thế nào là đúng?”.
Chúc các mẹ bầu và thai nhi có một quá trình mang thai vui vẻ, mạnh khỏe. Hy vọng rằng các mẹ sẽ luôn đồng hành cùng Nhà thuốc Long Châu trong những chủ đề liên quan đến sức khỏe khác.
Xem thêm:
- Tiểu đường thai kỳ uống ngũ cốc được không?
- Tiểu đường thai kỳ uống nước cam được không?
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, tuyệt đối không làm theo hướng dẫn của bài viết.