Cách chăm sóc tóc bị khô xơ có thể bao gồm bôi dầu dưỡng tóc, thay đổi chế độ ăn uống, sử dụng thực phẩm chức năng bổ sung và chọn sản phẩm dành cho tóc phù hợp với loại tóc. Tuy nhiên, cũng có các trường hợp cần phải gặp bác sĩ khi tóc bị khô xơ để điều trị do một số bệnh về da liễu mắc phải gây ra triệu chứng khô xơ ở tóc.
Nguyên nhân gây tóc khô xơ
Mái tóc xỉn màu, xoăn và khó chải, khó vào nếp là dấu hiệu cho thấy tóc bị khô xơ. Khi tóc bị mất đi độ ẩm và trở nên khô, tóc dễ bị rối và dễ gãy rụng hơn. Các nguyên nhân làm cho tóc trở nên khô do một số yếu tố bao gồm:
- Sử dụng nhiệt quá thường xuyên trên tóc để tạo kiểu;
- Sử dụng quá nhiều hóa chất trên tóc dưới dạng sản phẩm tạo kiểu tóc, thuốc nhuộm, thuốc tẩy tóc;
- Gội đầu quá thường xuyên hoặc sử dụng sản phẩm chống gàu;
- Không dùng dầu xả sau khi gội đầu;
- Để tóc tiếp xúc với thời tiết khắc nghiệt như không khí lạnh, thời tiết nóng khô, gió khô, tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời;
- Một số bệnh gây khô tóc, rụng tóc như suy giáp, trầm cảm, suy tuyến cận giáp;
- Thói quen ăn uống: Sử dụng nhiều chất kích thích hoặc thực đơn ăn uống thiếu dinh dưỡng.
- Do tuổi tác: Khi tuổi càng lớn thì tóc càng ít tiết dầu, dẫn đến tóc bị khô. Một nguyên nhân khác là do tuổi mãn kinh thì hormone thay đổi cũng làm tóc bị khô xơ.
Cách chăm sóc tóc bị khô xơ
Tóc bị khô xơ do nhiều nguyên nhân từ môi trường đến các yếu tố nội tại bên trong cơ thể. Dưới đây là một số lời khuyên về cách chăm sóc tóc bị khô xơ.
Bổ sung độ ẩm cho tóc
Gội đầu hàng ngày có thể làm mất đi lớp dầu bảo vệ của tóc, dẫn đến khô tóc. Thay vào đó, hãy thử gội đầu một hoặc hai lần một tuần. Bạn cũng có thể thoa dầu dưỡng tóc hoặc dầu xả để thêm độ bóng và mềm mại cho tóc.
Dầu gội có hiệu quả tốt để làm sạch bã nhờn dư thừa trên tóc. Mặc dù dầu gội có thể được thay thế bằng các sản phẩm dưỡng tóc nhưng gội đầu thường xuyên có thể làm mất đi độ ẩm của tóc.
Một số loại tóc đặc biệt là tóc xoăn, dễ bị mất độ ẩm hơn do cách hình thành các nang tóc. Khi nang tóc bị uốn cong, lớp biểu bì của nang tóc sẽ nâng lên, từ đó hơi ẩm thoát ra dễ dàng hơn. Với nhóm tóc xoăn, bạn cần bổ sung các dưỡng chất nhiều hơn cho tóc bằng các loại dầu xả, dầu dưỡng tóc, kem ủ tóc,… chuyên biệt cho tóc xoăn.
Phục hồi hư tổn
Mái tóc bị hư tổn là do sự tác động vật lý lên tóc như uốn, nhuộm, tẩy, tiếp xúc ánh nắng mặt trời,… Bảo vệ tóc là cách chăm sóc tóc bị khô xơ bao gồm cả mái tóc bị hư tổn hữu ích nhất. Bởi vì tóc đã bị hư tổn thì việc cần làm là ngưng ngay các tác động bất lợi lên tóc để tóc có thời gian phục hồi.
Do đó bạn nên giảm dần tần suất hoặc ngưng hẳn việc tạo kiểu bằng nhiệt cho tóc. Bởi vì, khi sử dụng nhiệt lên tóc để uốn, duỗi hoặc sấy khô có thể gây ra thêm nhiều hư tổn.
Bạn nên hạn chế sử dụng nhiệt lên tóc dưới mọi hình thức, có thể sấy tóc bằng gió mát hoặc để tự khô. Ngoài ra, bạn cũng không nên gội đầu bằng nước nóng. Ít nhất hãy xả lại bằng nước lạnh lần cuối để tóc không mất đi độ ẩm.
Mỗi lần gội đầu, tóc sẽ mất đi độ ẩm. Sử dụng dầu xả sau khi gội đầu để bổ sung độ ẩm và giúp tóc chắc khỏe hơn. Bạn có thể sử dụng thêm serum dưỡng tóc để tóc nhanh hồi phục.
Serum dưỡng tóc không chỉ dưỡng ẩm cho tóc mà còn bảo vệ tóc khỏi tác hại của ánh nắng, nhiệt độ và bụi bẩn. Bí quyết để serum dưỡng tóc phát huy tối đa tác dụng dưỡng ẩm là thoa serum lên tóc còn ẩm sau khi gội đầu.
Ngoài ra, bạn nên có các biện pháp bảo vệ mái tóc như đội nón khi ra ngoài nắng, đội mũ bơi khi đi bơi để tránh ảnh hưởng của Clo trong nước.
Bổ sung dinh dưỡng từ bên trong
Trước hết, trứng không chỉ là món ăn ngon mà còn có nhiều lợi ích cho tóc của bạn. Ăn trứng sẽ giúp bạn bổ sung lượng protein cần thiết trong ngày, giúp tóc chắc khỏe, mượt mà hơn. Mặt khác, trứng không chỉ có protein mà còn có chứa các chất dinh dưỡng khác tốt cho mắt, da, thần kinh như carotenoids, cholin, kẽm.
Bạn nên bổ sung chế độ ăn giàu protein, vitamin và khoáng chất để có mái tóc khỏe mạnh. Một số thực phẩm cần thiết cho mái tóc khỏe mạnh bao gồm trứng, cá, quả mọng, các loại hạt, các loại rau lá xanh, các loại trái cây như bơ và cam. Vitamin, khoáng chất và axit béo omega-3 có trong những thực phẩm này rất quan trọng cho mái tóc khỏe mạnh.
Nếu chế độ ăn không đủ đáp ứng nhu cầu về dinh dưỡng thì bạn có thể dùng các loại vitamin tổng hợp không kê đơn.
Các vi chất dinh dưỡng như biotin, vitamin C và vitamin E có thể giúp cho tóc mọc nhanh và dày hơn. Với axit béo omega-3 thì có rất nhiều chế phẩm dạng viên uống như viên nang dầu cá.
Tuy nhiên việc dùng bất kỳ thực phẩm chức năng bổ sung nào cũng cần lưu ý về tác dụng không mong muốn. Nếu bạn đang mắc bệnh lý nào đó cũng như dị ứng với bất kỳ thành phần nào thì nên thăm khám bác sĩ trước khi quyết định tự ý bổ sung thực phẩm chức năng.
Bên cạnh việc thay đổi thực đơn để bổ sung đủ chất dinh dưỡng, cần chú ý đến việc bổ sung đủ nước. Lượng nước cần thiết cho cơ thể là khoảng 2 lít nước mỗi ngày. Song, không nên hấp thụ uống có cồn và các chất kích thích.
Massage da đầu thường xuyên
Massage là cách kích thích máu lưu thông tốt hơn, kích thích các nang tóc hoạt động. Bạn có thể thực hiện massage nhẹ nhàng bằng trong 30 phút đến một giờ trước khi gội đầu để giúp phục hồi và ngăn ngừa hư tổn. Các loại dầu sử dụng để massage đầu như dầu ô liu hoặc dầu dừa được trộn với một vài giọt tinh dầu như dầu cây trà và dầu bạc hà.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Tình trạng tóc bị khô xơ không phải là bệnh lý. Tuy nhiên nếu tình trạng này kéo dài và đi kèm với các triệu chứng khác thì bạn nên đến gặp bác sĩ để điều trị.
Một số triệu chứng cần lưu ý như: Mệt mỏi kéo dài, yếu tay chân, rụng tóc nhiều, khô da, chịu lạnh kém, gàu nhiều,… Bởi vì các triệu chứng này có thể là dấu hiệu của bệnh trầm cảm, suy giáp, suy dinh dưỡng, chàm, vảy nến,… Bác sĩ sẽ làm các xét nghiệm cần thiết để tìm ra nguyên nhân và phương pháp điều trị thích hợp.
Như vậy, qua bài viết trên, bạn đã biết cách chăm sóc tóc bị khô xơ để có mái tóc đẹp mượt mà. Hy vọng các thông tin trên đây sẽ giúp ích cho bạn trong cuộc sống.
Xem thêm:
Chăm sóc tóc đúng cách: Một số tips cho tóc khỏe mạnh, suôn mượt
Những cách để tóc nhanh dài trong 1 tuần cho nam hiệu quả
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, tuyệt đối không làm theo hướng dẫn của bài viết.