Khám thai định kỳ giúp mẹ bầu theo dõi sức khỏe của mẹ và thai nhi một cách toàn diện, đồng thời cũng giúp phát hiện ra những bất thường và xử trí kịp thời. Bên cạnh đó, thai phụ còn nhận được sự tư vấn chăm sóc về sức khỏe thai kỳ đúng cách để giúp em bé phát triển tốt nhất trong bụng mẹ. Hôm nay, Nhà thuốc Long Châu sẽ chia sẻ về các mốc khám thai định kỳ trong suốt thai kỳ mà mẹ bầu nên biết.
Khám thai định kỳ có ý nghĩa gì?
Khám thai định kỳ là một việc làm vô cùng cần thiết trong suốt thời kỳ mang thai vì nó có ý nghĩa sau:
- Giúp cho mẹ bầu nắm rõ được tình hình phát triển của em bé thông qua các lần khám thai.
- Được nhận sự tư vấn chi tiết về chế độ dinh dưỡng, chế độ sinh hoạt hay các vấn đề cần tránh trong thời gian mang thai để có một thai kỳ mạnh khỏe.
- Do tính chính xác của các kết quả xét nghiệm chỉ có giá trị trong một thời gian nhất định.
- Theo kết quả của một số nghiên cứu cũng cho thấy, những thai phụ luôn tuân thủ lịch khám thai định kỳ mà bác sĩ đưa ra thường có tỷ lệ thai nhi tử vong thấp hơn 5 lần, đồng thời cân nặng của bé cũng đạt tiêu chuẩn hơn khi được sinh ra.
Các mốc khám thai định kỳ trong 3 tháng đầu
Dưới đây là các mốc khám thai định kỳ mà mẹ bầu nên biết trong tam cá nguyệt thứ nhất, cụ thể là:
Lần khám thai thứ 1
Thời gian: Khi thai nhi được 5 – 8 tuần tuổi.
Mục đích: Để xác định có thai hay không và vị trí làm tổ của thai.
Những xét nghiệm cần thực hiện:
- Xác định chỉ số BMI: Đánh giá mẹ bầu có bị thừa cân hay béo phì không.
- Kiểm tra huyết áp: Xác định thai phụ có bị cao huyết áp, có nguy cơ bị tiền sản giật không.
- Xét nghiệm nước tiểu: Kiểm tra nồng độ HCG để xác định sự phát triển của thai nhi.
- Siêu âm: Kiểm tra, đánh giá về vị trí và tuổi của thai nhi nhằm phát hiện ra dấu hiệu bất thường.
- Tính tuổi thai và xác định ngày dự kiến sinh dựa vào ngày đầu tiên của chu kỳ kinh nguyệt cuối.
- Xét nghiệm máu: Nhằm kiểm tra nồng độ kháng thể sau khi tiêm vắc – xin trong cơ thể mẹ.
Tư vấn:
- Bổ sung acid folic bằng đường uống nhằm phòng ngừa các dị tật bẩm sinh ở thai nhi.
- Tư vấn về chế độ dinh dưỡng, ăn uống và an toàn vệ sinh thực phẩm.
- Từ các thói quen sống xấu hoặc môi trường làm việc gây ảnh hưởng đến quá trình phát triển của thai nhi như hút thuốc lá, uống bia rượu, làm việc trong môi trường độc hại…
- Tư vấn vấn về vấn đề sàng lọc trước sinh.
- Tiền sử bệnh lý có liên quan đến thai nhi: Thai phụ đã từng bị sinh non, sảy thai, tiền sản giật hoặc mắc bệnh mãn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường, từng có con mắc dị tật bẩm sinh, người thân hoặc chính bản thân sản phụ mắc các bệnh lý di truyền.
Lần khám thai thứ 2
Thời gian: Khi thai nhi được khoảng 8 tuần tuổi.
Mục đích: Thăm khám toàn diện hơn, xác định tim thai và các vấn đề của phôi thai thông qua siêu âm, nếu lần khám đầu tiên thai quá nhỏ chưa thể kiểm tra được.
Xét nghiệm: Thực hiện các xét nghiệm cơ bản giống như lần khám thứ nhất.
Lần khám thai thứ 3
Thời gian: Tuần thai thứ 10 – tuần thứ 13 và 6 ngày.
Mục đích: Kiểm tra các dị tật bẩm sinh ở thai nhi.
Xét nghiệm:
- Thalassemia: Nhằm xác định thai nhi có nguy cơ mắc bệnh thiếu máu di truyền, tế bào hồng cầu bị vỡ sớm, từ đó dẫn đến tình trạng thiếu oxy hay không.
- Double test: Kiểm tra nhịp tim của thai nhi.
- Siêu âm để kiểm tra tình trạng thoát vị cơ hoành.
- Siêu âm để kiểm tra dị dạng chi.
- Siêu âm để đo độ mờ gáy: Đánh giá nguy cơ về khả năng mắc bệnh Down của thai nhi. Bác sĩ sẽ chỉ định thai phụ làm thêm xét nghiệm sinh thiết gai nhau (CVS) nếu kết quả siêu âm đo độ mờ của da gáy cho thấy em bé có nguy cơ mắc bệnh di truyền. Xét nghiệm sinh thiết nhau thai thường được thực hiện sớm là từ tuần thai thứ 10 – 13 của thai kỳ. Đây là một loại xét nghiệm xâm lấn và chỉ có nguy cơ sảy thai dưới 1%.
Các mốc khám thai định kỳ trong 3 tháng giữa (từ tuần thứ 14 – 27 tuần 6 ngày)
Tiếp theo là các mốc khám thai định kỳ trong tam cá nguyệt thứ hai, cụ thể là:
Lần khám thai thứ 4
Thời gian: Khi thai nhi được 14 – 16 tuần tuổi.
Mục đích: Kiểm tra về sự phát triển của thai nhi cũng như nguy cơ về các dị tật bẩm sinh.
Xét nghiệm:
- Siêu âm thai;
- Xét nghiệm máu;
- Xét nghiệm nước tiểu.
Lần khám thai thứ 5
Thời gian: Thai được 16 – 20 tuần tuổi.
Mục đích: Nhằm kiểm tra sự phát triển của thai nhi cũng như các dị tật bẩm sinh thông qua các xét nghiệm chính xác hơn.
Xét nghiệm:
- Kiểm tra chỉ số BMI.
- Đo huyết áp.
- Khám thai: Kiểm tra nhịp tim của thai nhi và đo tử cung được tính bằng tuổi thai.
- Xét nghiệm nước tiểu: Nhằm kiểm tra protein và nồng độ glucose trong máu để tầm soát các dấu hiệu của tiểu đường thai kỳ cũng như tiền sản giật.
- Siêu âm: Nhằm kiểm tra về sự phát triển của thai nhi cũng như phát hiện ra các bất thường về lượng nước ối.
- Chọc ối: Xét nghiệm này cần được thực hiện khi bác sĩ phát hiện ra dấu hiệu bất thường có liên quan đến các dị tật bẩm sinh của thai nhi. Từ tuần 15 – 18 là thời gian thích hợp để làm xét nghiệm này.
- Triple test: Giúp phát hiện ra các dị tật ống thần kinh và các rối loạn về gen.
Lần khám thai thứ 6
Thời gian: Thai nhi được từ 20 – 24 tuần.
Mục đích: Nhằm kiểm tra về hình thái của thai nhi, kiểm soát các bất thường và kiểm tra lượng nước ối và vị trí bám của nhau thai.
Xét nghiệm:
- Chỉ số BMI;
- Đo huyết áp;
- Khám thai: Kiểm tra tim thai và tính tuổi thai;
- Xét nghiệm nước tiểu;
- Siêu âm để kiểm tra sự phát triển của thai nhi cũng như lượng nước ối.
Nếu phát hiện ra các bất thường nặng nề về thể chất, bác sĩ có thể cân nhắc đến trường hợp đình chỉ thai nghén. Việc này cần được thực hiện trước tuần thai thứ 24 của thai kỳ.
Lần khám thai thứ 7
Thời gian: Thai được 24 – 27 tuần 6 ngày.
Mục đích: Nhằm kiểm tra về sự bất đồng nhóm máu giữa mẹ và thai nhi, những thay đổi bất thường trên cơ thể người mẹ có khả năng gây ảnh hưởng đến thai nhi.
Xét nghiệm:
- Kiểm tra BMI;
- Đo huyết áp;
- Khám thai: Để kiểm tra tim thai và tính tuổi thai;
- Xét nghiệm nước tiểu;
- Siêu âm thai: Kiểm tra sự phát triển của thai nhi và lượng nước ối;
- Xét nghiệm máu: Nhằm tầm soát tiểu đường thai kỳ;
- Xét nghiệm máu: Nhằm kiểm tra sự bất đồng nhóm máu giữa 2 mẹ con để xác định xem cơ thể của người mẹ có sản xuất ra kháng thể chống lại Rh (+) của thai nhi.
Các mốc khám thai định kỳ trong 3 tháng cuối của thai kỳ
Dưới đây là các mốc khám thai định kỳ trong tam cá nguyệt thứ 3 trong thai kỳ, cụ thể là:
Lần khám thai thứ 8 đến 10
Thời gian: Khi thai nhi được từ 28 – 36 tuần tuổi.
Mục đích: Nhằm kiểm tra ngôi thai. sự phát triển của em bé và tiêm phòng vắc – xin uốn ván cuống rốn.
Xét nghiệm:
- Xét nghiệm máu.
- Xét nghiệm nước tiểu.
- Siêu âm thai: Để xác định ngôi thai cũng như hướng dẫn phương hướng xoay ngôi thai, kiểm tra tình trạng của cổ tử cung xem có dấu hiệu sắp sinh hay chưa.
- Tiêm phòng uốn ván cuống rốn: Thai phụ sẽ cần tiêm phòng 2 mũi vắc – xin uốn ván và mỗi mũi tiêm cách nhau 1 tháng để phòng tránh bệnh uốn ván cho em bé.
- Xét nghiệm NST (Non – stress): Kiểm tra tình trạng sức khoẻ của thai nhi cũng như xem thai nhi có được nhận đủ oxy không.
Từ tuần thai thứ 30 trở đi:
- Kiểm tra cử động của thai nhi: 4 lần/giờ.
- Cần tái khám ngay khi phát hiện các dấu hiệu bất thường: Ra máu âm đạo, đau bụng, thai máy yếu cũng như các dấu hiệu khác bất thường khác.
Lần khám thai lần thứ 11 đến 14
Thời gian: Thai được từ 36 – 40 tuần tuổi.
Mục đích: Bác sĩ sẽ kiểm tra tử cung và tư vấn về các dấu hiệu chuyển dạ, sắp sinh.
Xét nghiệm:
- Kiểm tra cổ tử cung;
- Siêu âm để theo dõi thai nhi;
- Kiểm tra kích thước khung chậu để xác định thai phụ có khả năng sinh thường hay không;
- Xét nghiệm NST.
Lần khám thai thứ 15
Thời gian: Khi thai nhi được từ 40 – 42 tuần tuổi.
Mục đích: Cân nhắc đến vấn đề sinh con bằng cách can thiệp hay tiếp tục chờ.
Xét nghiệm:
- Thăm khám;
- Siêu âm để kiểm tra nước ối cũng như tình trạng của thai nhi.
Khám thai định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ là điều rất cần thiết để giúp bạn có một thai kỳ khỏe mạnh. Hy vọng với những thông tin được chia sẻ trong bài viết đã giúp các mẹ bầu nắm được các mốc khám thai định kỳ và mục đích của mỗi lần khám thai đó để các mẹ hiểu được tầm quan trọng của nó.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, tuyệt đối không làm theo hướng dẫn của bài viết.