Khi nắm rõ các dấu hiệu u xơ cổ tử cung, người bệnh có thể kiểm tra và can thiệp điều trị nhanh chóng, hiệu quả ngay từ giai đoạn sớm. Vậy đâu là những dấu hiệu u xơ tử cung để cảnh báo vấn đề sức khỏe về căn bệnh này?
Tổng quan về u xơ tử cung
U xơ tử cung được hình thành do sự phát triển quá mức của tế bào cơ trơn và các sợi mô liên kết trong buồng tử cung. Bệnh xảy ra ở phụ nữ trong giai đoạn sinh sản, có tính chất lành tính nên hầu hết các trường hợp đều không gây nguy hiểm đến tính mạng. Tuy vậy vẫn có hi hữu một số ca bệnh phát triển nhanh bất thường, dẫn đến chảy máu, gây tổn thương viêm trên diện rộng với nhiều biến chứng khó lường.
U xơ tử cung có thể xuất hiện ở nhiều vị trí như:
- Nằm dưới thanh mạc: Các loại u phát sinh tại đây thường có cuống và có nhiều điểm tương đồng với u buồng trứng nên hay bị chẩn đoán nhầm.
- Dưới niêm mạc tử cung: Có tính phổ biến cao, thường gây chảy máu dài ngày (rong kinh).
- Nằm ở vùng tiếp giáp giữa cổ tử cung và buồng tử cung: Thường tạo áp lực lên hệ bài tiết gây nên hiện tượng tiểu tiện nhiều lần đi kèm những cơn đau vùng thắt lưng. Đặc biệt chúng còn làm ảnh hưởng đến hoạt động mang thai và sinh nở.
- Nằm trong lòng tử cung: Là loại u xơ dễ bắt gặp và thường có xu hướng phát triển lan rộng xuống vùng âm đạo.
Sự phát sinh và phát triển của u xơ có liên quan đến một số yếu tố nguy cơ như:
- Độ tuổi: Bệnh thường được tìm thấy ở nữ giới trong độ tuổi sinh sản (30 – 50 tuổi).
- Dậy thì sớm: Người có tiền sử dậy thì sớm có nguy cơ bị u xơ tử cung cao hơn người bình thường.
- Yếu tố di truyền: Người có người trong gia đình bị u xơ thì nguy cơ mắc bệnh sẽ cao hơn những người trong gia đình không có ai bị bệnh.
- Chủng tộc: Nghiên cứu cho thấy phụ nữ Mỹ gốc Phi có khả năng mắc u xơ cao gấp 3 lần so với những phụ nữ thuộc các chủng tộc khác trên thế giới.
- Thừa cân: Nguy cơ mắc u xơ cổ tử cung tỉ lệ thuận với sự gia tăng cân nặng ở phụ nữ.
Các dấu hiệu u xơ tử cung điển hình và thường gặp nhất
Dưới đây là những dấu hiệu u xơ tử cung điển hình mà bạn không nên xem nhẹ:
Ra máu bất thường
Ra máu bất thường bao gồm các trường hợp: Lượng kinh nguyệt ít nhưng kéo dài, lượng nhiều trong một thời điểm hoặc xuất huyết ngoài kỳ kinh. Điều này là do độ nhạy ở nội mạc vùng u xơ cao hơn hẳn so với các khu vực lân cận nên chúng rất dễ bị bong tróc, tổn thương và dẫn đến hiện tượng ra máu bất thường.
Tất nhiên triệu chứng này có thể là dấu hiệu cảnh báo của nhiều bệnh phụ khoa khác như u nang buồng trứng, viêm lộ tuyến cổ tử cung, viêm âm đạo, ung thư cổ tử cung,… nên chúng ta cần thăm khám để chẩn đoán phân biệt.
Đau bụng kinh dữ dội
U xơ tử cung làm rối loạn hoạt động co cơ ở vùng dạ con. Chẳng những vậy trong thời gian “đèn đỏ”, tử cung cũng co bóp mạnh hơn để đẩy dịch từ buồng tử cung xuống dưới âm đạo, bài xuất ra ngoài. Điều này sẽ làm co thắt các mạch máu nuôi khối u gây nên tình trạng thiếu máu nuôi trong thời gian ngắn. Hệ quả là dẫn đến hiện tượng chuyển hóa yếm khí và sinh chất gây đau đớn cho người bệnh.
Đặc biệt nếu u xơ có kích thước vượt quá giới hạn và bị hoại tử do thiếu dưỡng chất thì sẽ rất nguy hiểm và người bệnh cần can thiệp phẫu thuật ngay lập tức.
Thay đổi thói quen đại, tiểu tiện
Dấu hiệu u xơ tử cung này chủ yếu do chèn ép mà nên. Khi chúng nằm gần bóng đái thì bộ phận này sẽ bị co hẹp về thể tích, dẫn đến kích thích tiểu tiện liên tục. Thậm chí có thể dẫn đến hiện tượng tiểu són, nhất là với phụ nữ mang thai.
Trong một số trường hợp, u xơ còn tạo áp lực lên vùng trực tràng, cản trở quá trình bài tiết phân ra ngoài và gây nên tình trạng táo bón. Bên cạnh đó, người bệnh còn luôn có cảm giác mót rặn do bí bách, kể cả khi vừa đi vệ sinh xong.
Đau khi quan hệ vợ chồng
Những u xơ nằm gần với cổ tử cung sẽ làm tăng áp lực ở âm đạo nên người bệnh thường bị đau khi quan hệ vợ chồng. Cơn đau có thể xuất hiện riêng lẻ hoặc đi kèm hiện tượng xuất huyết ngay sau quan hệ. Đây là một trong những dấu hiệu nguy hiểm không chỉ cảnh báo u xơ mà còn nhiều bệnh lý đáng ngại khác. Vậy nên hãy thăm khám sớm để được chẩn đoán chính xác bạn nhé!
Đau âm ỉ vùng bụng dưới và lưng dưới
Những cơn đau này xảy ra thường xuyên chứ không tạo thành cơn. Nguyên nhân chủ yếu do tổn thương ngay vùng u xơ hoặc những áp lực chèn ép mà u xơ gây ra với các cơ quan khác. Để xác định xem cơn đau là do u xơ hay các bệnh lý xương khớp, buồng trứng thì bác sĩ thường chỉ định các xét nghiệm cận lâm sàng như: Siêu âm ổ bụng, chụp X-Quang hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI).
Cách ngăn ngừa, phòng tránh u xơ tử cung
Đến nay, nguyên nhân phát sinh u xơ tử cung vẫn còn là một dấu hỏi lớn, chưa được chứng minh và làm rõ trong y văn thế giới. Tuy vậy dựa vào thống kê sàng lọc và các yếu tố làm tăng nguy cơ, bạn vẫn có thể phòng tránh ở mức tương đối với bệnh lý này thông qua một số biện pháp sau:
Duy trì cân nặng ở mức lý tưởng
Thực tế cho thấy những người béo phì, thừa cân có khả năng mắc u xơ tử cung cao gấp 2 – 3 lần người bình thường. Vậy nên duy trì cân nặng ở mức độ lý tưởng (BMI trong khoảng 18,5 – 22,9) được xem là cách làm đơn giản và hiệu quả giúp bạn phòng tránh căn bệnh này.
Xây dựng chế độ sinh hoạt, ăn uống lành mạnh, khoa học
Việc dung nạp nhiều chất béo bão hòa, thịt đỏ, chất kích thích,… sẽ làm tăng mạnh tỉ lệ các gốc tự do trong cơ thể, gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe và có thể làm phát sinh u xơ ở tử cung. Vậy nên hãy thay thế chúng bằng các đồ ăn có lợi như thịt gà, các loại rau củ quả tươi, hạt dinh dưỡng, cá biển để loại trừ nguy cơ đang xét. Bên cạnh đó đừng quên ngủ nghỉ đúng giờ, luyện tập thể dục thể thao và tránh xa căng thẳng.
Thăm khám sức khỏe định kỳ
Rất nhiều trường hợp bị u xơ tử cung nhưng không hề biểu hiện triệu chứng. Vậy nên thăm khám sức khỏe định kỳ là cách làm hay giúp bạn phát hiện sớm bệnh. Thêm nữa, các xét nghiệm chuyên khoa còn có thể dự đoán trước nguy cơ mắc bệnh và khi đó, các bác sĩ sẽ giúp bạn đưa ra giải pháp phòng chống hiệu quả.
Những dấu hiệu u xơ tử cung có thể phát sinh lẻ tẻ hoặc xuất hiện ồ ạt, tùy từng giai đoạn và cơ địa người bệnh. Dù trong trường hợp nào bạn cũng không nên phớt lờ mà hãy thăm khám ngay để làm rõ nguyên nhân và chủ động trong việc điều trị, can thiệp.
Xem thêm: U xơ tử cung có nguy hiểm không? Khi nào cần phẫu thuật cắt bỏ?
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, tuyệt đối không làm theo hướng dẫn của bài viết.