Ở trạng thái bình thường, chúng ta tiếp nhận thông tin từ môi trường sống qua hệ thống các giác quan như thị giác, thính giác, vị giác, khứu giác, xúc giác. Những thông tin này sẽ vào tiểu não và hành tủy, sau đó các tín hiệu sẽ được gửi đến các vùng vỏ não khác nhau để xử lý. Nhờ đó chúng ta mới có cảm giác, trí nhớ, nhận thức để hiểu được môi trường sống xung quanh. Tuy nhiên, ở các trẻ bị rối loạn cảm giác, việc nghe, nhìn, cảm nhận, vận động sẽ gặp khó khăn. Điều này dẫn đến việc các hành vi, cử chỉ, bắt chước gặp trở ngại, thậm chí trẻ không thực hiện được.
Để cải thiện tình trạng này, trẻ cần được tập các bài tập điều hòa cảm giác nhằm điều chỉnh các hành vi bất thường của trẻ, giúp trẻ tăng cường khả năng thích ứng với cuộc sống và hỗ trợ quá trình hòa nhập xã hội. Hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu chi tiết về các bài tập điều hòa cảm giác trong bài viết dưới đây nhé.
Khái quát về rối loạn cảm giác ở trẻ tự kỷ
Rối loạn cảm giác ở trẻ là tình trạng trẻ quá nhạy cảm hoặc kém nhạy cảm với một số giác quan bao gồm thị giác, thính giác, xúc giác,… Rối loạn cảm giác thường gặp ở trẻ tự kỷ với tỷ lệ tới 70%. Tự kỷ hay rối loạn tự kỷ là một rối loạn phát triển thần kinh thường gặp ở trẻ em hiện nay.
Các triệu chứng của tự kỷ thường sẽ khởi phát từ khi trẻ còn nhỏ gây ra nhiều tác động và cản trở đến khả năng giao tiếp và hòa nhập xã hội của trẻ. Khi quá trình nhìn, nghe, cảm nhận bị cản trở, trẻ sẽ gặp khó khăn trong nhận thức và kết nối với người xung quanh. Ngoài ra, trẻ bị rối loạn điều hòa cảm giác còn có thể kèm theo tăng động giảm chú ý, rối loạn lo âu khiến cho quá trình sinh hoạt càng bị hạn chế nghiêm trọng. Tình trạng này có xu hướng kéo dài suốt cuộc đời của trẻ nếu không có biện pháp điều trị từ sớm.
Tác dụng của các bài tập điều hòa cảm giác
Điều hoà cảm giác là phương pháp điều trị tối ưu ở những trẻ bị rối loạn cảm giác. Các bài tập điều hòa cảm giác có tác dụng tăng hoặc giảm đáp ứng của trẻ với các kích thích khác nhau nhằm mục đích là điều chỉnh các hành vi bất thường ở trẻ. Đồng thời giúp trẻ đáp ứng thích hợp với những thông tin cảm giác, tạo cho trẻ cảm giác thích thú và thư giãn. Hiểu đơn giản, các bài tập điều hòa cảm giác chính là công cụ để dạy cho trẻ cách làm thế nào để tương tác với môi trường xung quanh.
Kỹ thuật tập điều hòa cảm giác thường được chỉ định cho trẻ bị rối loạn cảm giác trong các trường hợp như trẻ bị tự kỷ, trẻ bại não, trẻ chậm phát triển tinh thần. Tuy nhiên, các bài tập này cần được lên kế hoạch cụ thể phù hợp với từng trẻ để mang lại hiệu quả tối ưu.
Các bài tập điều hòa cảm giác
Điều hòa xúc giác
Các bài tập này nhằm tạo cơ hội cho trẻ trải nghiệm xúc giác nhiều hơn, tăng cường nhận biết xúc giác. Một số bài tập như:
- Sử dụng ngón tay vẽ tranh;
- Chơi cùng đất nặn;
- Trải nghiệm các loại chất liệu như màu nước, bột, cát, các loại hạt;
- Bài tập xé giấy;
- Bài tập sử dụng ngón cái và ngón trỏ như xâu hạt, gắp bông, đóng khóa, sử dụng bàn chải, bóng gai,…
Ngoài ra, ba mẹ có thể chơi đùa cùng con bằng cách cho trẻ nằm ngửa, sử dụng vải mềm hoặc bàn chải chà xát lên da cũng sẽ tăng khả năng tiếp xúc cho trẻ. Hàng ngày, hãy thường xuyên ôm và âu yếm trẻ để trẻ cảm nhận được tình cảm người thân dành cho mình. Qua đó sẽ hình thành thói quen thấu hiểu, biết chia sẻ ở trẻ.
Điều hòa thính giác
Những âm thanh đột ngột với cường độ cao sẽ kích thích hệ thống thính giác của trẻ. Vì thế, nếu sử dụng âm thanh trị liệu sẽ giúp trẻ tăng cường khả năng tập trung hiệu quả. Ba mẹ có thể tập điều hòa thính giác cho trẻ 30 phút mỗi ngày với các âm thanh tăng dần theo mức độ. Hãy cho trẻ nghe những bản nhạc sâu lắng, du dương để tăng khả năng cảm nhận.
Điều hòa vị giác
Ba mẹ cần rèn cho trẻ khả năng ăn uống đa dạng, ăn nhai tốt và tập trung khi ăn để thưởng thức trọn vẹn hương vị. Trường hợp trẻ kén ăn, hãy kiên nhẫn cho trẻ thử từng chút một và xen kẽ với đồ ăn trẻ yêu thích.
Điều hòa thị giác
Các bài tập điều hòa thị giác nhằm mục đích giúp trẻ tăng cường sử dụng giao tiếp mắt. Ba mẹ nên khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động đòi hỏi tập trung mắt như vẽ tranh, nặn đất, xâu hạt, cắt giấy,… Bên cạnh đó, các trò chơi có sử dụng ánh sáng, màu sắc rực rỡ sẽ rất hữu ích nhờ khả năng tác động mạnh vào thị giác và tương phản.
Trong quá trình tập luyện, ba mẹ cần rèn khả năng giao tiếp mắt của trẻ bằng việc để đồ vật trước mặt rồi di chuyển theo các hướng khác nhau. Việc luyện mắt này sẽ giúp trẻ nhạy bén hơn và cung cấp thêm nhiều tín hiệu bằng mắt.
Điều hòa tiền đình
Với trẻ bị rối loạn cảm giác, ba mẹ nên cho trẻ tập luyện các bài tập vận động và thăng bằng như nhảy tại chỗ, nhảy qua vật cản, lăn người, chơi xích đu, nhảy lò cò, xoay tròn, đạp xe, nằm lăn theo bóng, ngồi bóng hơi,…
Trên đây là các bài tập điều hòa cảm giác thường được áp dụng cho trẻ bị tự kỷ. Để việc tập luyện mang lại hiệu quả tốt nhất, trẻ cần có sự hướng dẫn của giáo viên có chuyên môn và sự đồng hành của ba mẹ. Hy vọng bài viết sẽ giúp ba mẹ có thêm kiến thức, kinh nghiệm để hỗ trợ trẻ tự kỷ sớm hòa nhập với cuộc sống tươi đẹp.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, tuyệt đối không làm theo hướng dẫn của bài viết.