Bị trào ngược dịch mật nên ăn gì để giúp bệnh có thể chuyển biến tích cực hơn trong điều trị? Đâu là chế độ ăn uống phù hợp và đâu là những thực phẩm mà bệnh nhân cần kiêng kỵ? Đừng lo lắng vì ngay sau đây Nhà thuốc Long Châu sẽ giúp bạn giải đáp tất tần tật những thắc mắc này, cùng theo dõi nhé!
Trào ngược dịch mật là gì?
Trào ngược dịch mật hay còn còn được biết đến với một tên gọi khác là là trào ngược dạ dày tá tràng. Đây là tình trạng xảy ra khi dịch mật – dịch tiêu hóa được sản xuất tại gan trào ngược từ ruột non đến dạ dày và thậm chí có thể lên đến cả thực quản.
Dịch mật bên ngoài có màu vàng đục, dạng dịch lỏng thường được tạo nên bởi các thành phần bao gồm: Muối mật, sắc tố mật, nước và cholesterol. Dịch mật đảm nhiệm chức năng tiêu hóa chất béo, loại bỏ một số độc tố và tế bào hồng cầu già ra khỏi cơ thể người.
Trào ngược dịch mật là hiện tượng xảy ra khi van môn vị bị tổn thương. Van môn vị là một vòng cơ ngăn cách giữa dạ dày và tá tràng với chức năng đóng mở nhằm đưa thức ăn xuống ruột theo một chiều. Điều này có nghĩa là dịch và thức ăn chỉ có một hướng đi nhất định và không thể từ ruột quay lại vào dạ dày. Trường hợp khi van môn vị bị tổn thương và van tâm vị đang mở thì dịch mật thậm chí sẽ có thể trào ngược lên thực quản.
Trào ngược dịch mật và trào ngược acid có thể xảy ra cùng thời điểm với trào ngược acid dạ dày vào thực quản. Ngoài ra, trào ngược dịch mật thường bị nhầm lẫn với trào ngược acid là bởi vì những triệu chứng không đặc trưng. Không giống như acid dạ dày, những tổn thương dịch mật gây ra cho thực quản thường nghiêm trọng hơn, nguy hiểm nhất đó là có thể dẫn đến ung thư thực quản.
Vậy làm thế nào để có thể phân biệt được đâu là trào ngược dịch mật và đâu là trào ngược acid dạ dày? Thông thường, người ta sẽ dựa vào 2 đặc điểm phân biệt sau đây:
- Trào ngược acid được biểu hiện bằng các triệu chứng là sặc nước bọt, khó tiêu, ợ chua, đau dạ dày và tình trạng viêm thực quản do acid dạ dày đi qua cơ thắt thực quản dưới và vào thực quản.
- Trào ngược dịch mật được biểu hiện với các triệu chứng là ợ chua, viêm dạ dày, ho mãn tính, khàn giọng, nuốt đau. Ngoài ra, trào ngược dịch mật có thể làm tăng nguy cơ gây viêm thực quản do mật từ túi mật đi qua van môn vị rồi tiếp tục đi qua cơ thắt dưới vào thực quản.
Trào ngược dịch mật có thể làm tổn thương niêm mạc dạ dày, gây viêm dạ dày, có thể tiến triển thành loét, chảy máu và gây ung thư dạ dày. Sự kết hợp đặc biệt có hại ở những bệnh nhân bị cả trào ngược dịch mật và trào ngược acid, nhất là ở phụ nữ có bầu bị trào ngược dạ dày, làm tăng nguy cơ tổn thương thực quản, bao gồm các tình trạng như Barrett thực quản và ung thư thực quản.
Mặt khác, trào ngược dịch mật còn được xem là một biến chứng sau phẫu thuật dạ dày. Cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ dạ dày để điều trị ung thư, loét hoặc giảm cân ở những người béo phì có thể ảnh hưởng đến van môn vị và van tâm vị. Khi van môn vị bị ảnh hưởng, nó không mở và đóng chặt, khiến mật rò rỉ từ tá tràng vào dạ dày rồi quay trở lại thực quản.
Trào ngược dịch mật có thể được kiểm soát bởi những thay đổi tích cực trong chế độ ăn uống và lối sống người bệnh. Điều trị được thực hiện bằng thuốc hoặc trong trường hợp nghiêm trọng hơn là cần sự can thiệp của phẫu thuật.
Trào ngược dịch mật nên ăn gì để cải thiện bệnh?
Cũng giống như các bệnh lý tiêu hóa khác, chế độ dinh dưỡng phù hợp có thể góp phần giúp kiểm soát và cải thiện tình trạng bệnh. Vậy người bị trào ngược dịch mật nên ăn gì thì tốt?
Trên thực tế, việc bổ sung các loại thực phẩm phù hợp có thể giúp giảm áp lực lên hệ tiêu hóa và ngăn sự bùng phát của chứng trào ngược. Ngoài ra, điều này còn cung cấp cho cơ thể lượng vi chất dinh dưỡng cần thiết để duy trì một thể trạng thật khỏe mạnh. Vì thế, trong chế độ ăn uống hằng ngày, người bị trào ngược dịch mật cần chú ý:
Nên bổ sung nhiều chất xơ hòa tan, dịch mật
Chất xơ là một chất dinh dưỡng vô cùng cần thiết cho hoạt động của hệ tiêu hóa, đồng thời ngăn ngừa tình trạng táo bón. Chất xơ được chia làm 2 loại bao gồm:
- Chất xơ hòa tan: Chuyển sang dạng gel trong quá trình tiêu hóa, trung hòa dịch vị, góp phần làm giảm áp lực lên dạ dày và cơ vòng thực quản. Ngoài ra, chất xơ hòa tan còn giúp hấp thu cholesterol và mật đưa ra ngoài cơ thể, làm sạch ống tiêu hóa và giảm thiểu chuyển mật vào tá tràng trong các bữa ăn.
- Chất xơ không hòa tan: Đây là loại chất xơ không thể hòa tan trong nước và không hề bị phá vỡ bởi các vi khuẩn đường ruột, đồng thời chúng cũng không được hấp thụ vào máu.
Những thực phẩm thuộc nhóm chất xơ hòa tan mà người bị trào ngược dịch mật nên bổ sung linh hoạt vào các bữa ăn bao gồm:
- Rau;
- Ngũ cốc;
- Trái cây;
- Các loại hạt;
- Các loại đậu.
Về liều lượng sử dụng có sự chênh lệch giữa nam và nữ giới:
- Nam giới: Bổ sung từ 28 – 34g mỗi ngày.
- Nữ giới: Bổ sung từ 22 – 28g mỗi ngày.
Chia thành nhiều bữa nhỏ mỗi ngày
Bệnh nhân bị trào ngược dịch mật không nên ăn quá no. Bởi nếu ăn quá no sẽ làm cho dạ dày bị căng thẳng, tăng tần suất xuất hiện các đợt ợ chua và nóng rát vùng thượng vị. Chính vì thế, chia thành nhiều bữa nhỏ trong các bữa ăn giúp làm giảm áp lực lên các cơ thắt thực quản dưới. Do đó sẽ giúp ngăn ngừa được tình trạng van ngăn mở không đúng thời điểm. Bạn cũng nên tìm hiểu vấn đề sau khi ăn bao lâu thì được nằm để tránh nằm ngay sau khi ăn gây ảnh hưởng xấu đến dạ dày.
Thay vì mỗi ngày ăn 2 – 3 bữa lớn như bình thường, người bệnh nên chia thành 5 – 6 bữa nhỏ bằng cách chia đôi khẩu phần ăn lớn và để dành một nửa trong vài giờ sau đó. Khi ăn cần phải ăn chậm nhai kỹ, ăn chín uống sôi để ngăn tình trạng trào ngược dịch mật và hỗ trợ cơ quan tiêu hóa hấp thu được tối đa dưỡng chất có trong thực phẩm. Ngoài ra, bệnh nhân không nên bỏ bữa sáng vì đây là bữa ăn khá quan trọng trong ngày, có thể tìm hiểu các bữa sáng cho người bị trào ngược dạ dày hay trào ngược dịch mật để xây dựng thực đơn hợp lý.
Trào ngược dịch mật kiêng ăn gì?
Khi tìm hiểu về người bị trào ngược dịch mật nên ăn gì, người bệnh cũng băn khoăn liệu mình có phải kiêng gì không? Triệu chứng của trào ngược dịch mật sẽ có thể trở nên nghiêm trọng hơn nếu như sử dụng các loại thực phẩm và thức uống không phù hợp dưới đây:
Thực phẩm chứa nhiều chất béo
Chức năng quan trọng của dịch mật đó là tiêu hóa lượng chất béo có trong thực phẩm. Bởi vậy, khi cơ thể dung nạp thực phẩm chứa lipid thì lượng dịch mật sẽ được tiết ra nhiều hơn ở tá tràng. Do đó mà ăn quá nhiều dầu mỡ không chỉ gây áp lực lên các cơ quan của hệ tiêu hóa mà còn khiến cho tình trạng trào ngược dịch mật ngày càng nghiêm trọng hơn.
Để kiểm soát tốt các triệu chứng của bệnh, bệnh nhân cần tránh xa các loại thực phẩm sau:
- Xúc xích và các loại thịt đã qua chế biến khác;
- Thịt đỏ;
- Thức ăn chiên rán nhiều dầu mỡ;
- Các loại thức ăn nhanh.
Để bảo vệ sức khỏe, người bệnh nên thay thế bằng các loại thực phẩm chứa ít chất béo lành mạnh hơn như:
- Sữa hoặc phô mai ít hoặc không có chất béo;
- Trứng chỉ nên ăn lòng trắng trừ lòng đỏ;
- Bơ, ô liu, dầu dừa;
- Tôm, cua, cá hồi và cá ngừ nhạt;
- Các loại đậu;
- Rau và các loại hoa quả.
Các đồ uống chưa cồn
Đồ uống có cồn gây nên nhiều tác hại cho cơ thể, đặc biệt là gan, thực quản và dạ dày. Uống nhiều rượu có thể dẫn đến rối loạn chức năng gan, dẫn đến tăng tiết mật bất thường. Ngoài ra, cồn trong rượu bia còn có thể gây tổn thương thực quản và dạ dày, đồng thời gây rối loạn chức năng đường ruột.
Một số nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, cồn và các chất có thể lên men trong rượu, bia có thể làm suy yếu cơ vòng thực quản dưới, van tim và môn vị. Khi các cơ quan này bị hỏng, mật cùng với dịch dạ dày và thức ăn trào ngược lên thực quản và thậm chí vào miệng.
Do đó, người bị trào ngược dịch mật cần hạn chế sử dụng các loại uống có cồn như:
- Cắt giảm rượu bia càng nhiều càng tốt và nên thay thế bằng nước và các loại nước trái cây có lợi cho cơ thể.
- Hạn chế cà phê và các loại trà có chứa caffeine và nên thay bằng các loại trà có lợi khác như trà cam thảo, trà hoa cúc góp phần làm dịu các triệu chứng của trào ngược dịch mật.
Chắc hẳn rằng, qua bài viết này bạn đã có câu trả lời cho “Người trào ngược dịch mật nên ăn gì để cải thiện tốt tình trạng bệnh?”. Bên cạnh các yếu tố liên quan đến dinh dưỡng, người bệnh cũng cần thay đổi những thói quen sinh hoạt không tốt. Thay vì thế, thường xuyên duy trì tập luyện và áp dụng các biện pháp y tế theo đúng như chỉ định của bác sĩ.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, tuyệt đối không làm theo hướng dẫn của bài viết.