Thứ hai, Tháng mười hai 23, 2024
spot_img
HomeDinh DưỡngBệnh nhân viêm tụy cấp có được uống sữa không?

Bệnh nhân viêm tụy cấp có được uống sữa không?


Chế độ ăn uống được xem là một trong các biện pháp điều trị cho bệnh viêm tụy cấp. Có được thực đơn ăn uống phù hợp cho bệnh nhân viêm tụy không những giúp tuyến tụy mau hồi phục mà còn hỗ trợ giảm đau đáng kể. Hãy cùng nhà thuốc Long Châu đi tìm hiểu nguyên tắc ăn uống cho người bệnh viêm tụy cũng như giải đáp thắc mắc “viêm tụy cấp có được uống sữa không?” trong bài viết dưới đây nhé!

Nguyên tắc ăn uống cho bệnh nhân viêm tụy cấp

Nguyên tắc quan trọng nhất đối với bệnh nhân viêm tụy cấp và những người mắc các bệnh liên quan đến tuyến tụy nói chung là hạn chế các thực phẩm chứa nhiều chất béo. Ngay cả khi đã hồi phục sau viêm tụy cấp, thực đơn hằng ngày của người bệnh vẫn phải chứa ít chất béo, hàm lượng chất béo dung nạp vào cơ thể nên dưới mức 30g/ ngày, có thể ít hơn tùy theo cơ địa mỗi người. 

Ngoài ra, bạn cũng không nên bổ sung chất béo trong một lần ăn mà nên chia nhỏ thành 4 – 6 bữa ăn rải rác. Dưới đây là một số mẹo giúp bạn kiểm soát lượng chất béo trong khẩu phần ăn của mình:

  • Không sử dụng đồ đóng hộp, thực phẩm chế biến sẵn mà thay vào đó là tự nấu ăn tại nhà. Nếu phải sử dụng đồ ăn đóng hộp, hãy xem xét các nhãn thực phẩm để chọn loại có ít hơn hơn 3g chất béo/ 100g sản phẩm.
  • Loại bỏ các phần chứa chất béo mà bạn có thể nhận thấy được trước khi nấu ăn như da, mỡ, nội tạng động vật…
  • Hạn chế chiên xào, ưu tiên chế biến món ăn bằng cách hấp, luộc, nướng. Nếu phải chiên, nên xịt dầu hoặc áp chảo thay vì chiên ngập dầu như bình thường. 
Xem thêm  Tác dụng phụ của BCAA và những điều cần biết trước khi sử dụng
Nguyên tắc ăn uống cho bệnh nhân viêm tụy cấp

Người bệnh viêm tụy cấp có được uống sữa không?

Bệnh nhân viêm tụy cấp thường được bác sĩ khuyến cáo nên nhịn ăn trong thời gian đầu điều trị bệnh để tuyến tụy có thời gian nghỉ ngơi và hồi phục. Điều này khiến nhiều người đặt ra câu hỏi liệu bệnh nhân viêm tụy cấp có được uống sữa hay không? 

Như đã đề cập ở trên, người bệnh viêm tụy cấp nên hạn chế sử dụng chất béo trong thời gian điều trị bệnh. Sữa lại là nguồn thực phẩm chứa nhiều chất béo nên bạn cũng không nên sử dụng loại thức uống này khi đang mắc viêm tụy. Ngoài sữa, bệnh nhân viêm tụy cũng cần hạn chế dùng các chế phẩm từ sữa giàu chất béo khác như phomat, sữa chua hay bánh sữa. Thay vào đó, để đảm bảo cơ thể vẫn được cung cấp đủ nước, bạn có thể uống nước lọc, trà, nước trái cây hay các thức uống dinh dưỡng có hàm lượng chất béo thấp mà vẫn dễ tiêu hóa.

Bệnh nhân viêm tụy cấp có được uống sữa không? 2
 Người bệnh viêm tụy cấp nên hạn chế sử dụng chất béo

Chế độ ăn cho bệnh nhân viêm tụy trong giai đoạn đầu điều trị

Với những bệnh nhân bị viêm tụy cấp nhẹ hay trung bình, bác sĩ thường yêu cầu bệnh nhân nhịn ăn trong tối đa 5 ngày. Thay vào đó, người bệnh vẫn được cung cấp chất dinh dưỡng bằng cấp truyền dịch tĩnh mạch hay đưa thức ăn đi từ mũi/ miệng đến trực tiếp dạ dày. Sau 5 ngày, chế độ ăn dành cho bệnh nhân sẽ được từ từ cải thiện nhưng vẫn dựa trên nguyên tắc ít chất béo, các món ăn ở dạng lỏng, mềm dễ tiêu hóa, dễ hấp thu. Một số loại thực phẩm được khuyên dùng có thể kể đến như:

  • Thực phẩm giàu tinh bột: Ngũ cốc, bánh mì, gạo, khoai tây, mì ống…
  • Thực phẩm giàu protein: Cá, trứng, thịt nạc, sữa chua…
  • Các loại nước uống: Nước lọc, nước ép hoa quả (nam việt quất, táo, nho trắng) hay nước luộc gà đã vớt váng mỡ.
Xem thêm  Một chiếc hot dog bao nhiêu calo?

Trong giai đoạn này, bạn tuyệt đối không nên sử dụng các loại thực phẩm chứa nhiều chất béo và đường glucose như nội tạng động vật, thịt đỏ, khoai tây chiên, sữa nguyên béo, sốt mayonnaise, đồ uống có đường, bánh ngọt… Những loại thực phẩm này sẽ làm tăng lượng chất béo trung tính trong cơ thể và từ đó ảnh hưởng đến sự phục hồi của tụy, tăng nguy cơ viêm tụy cấp hay thậm chí là ung thư tuyến tụy.

Bệnh nhân viêm tụy cấp có được uống sữa không? 3
Chế độ ăn cho bệnh nhân viêm tụy trong giai đoạn đầu điều trị

Chế độ ăn cho bệnh nhân viêm tụy trong giai đoạn phục hồi

Vì phải nhịn ăn khi điều trị viêm tụy cấp nên cơ thể người bệnh thường sẽ bị thiếu hụt chất dinh dưỡng. Do đó, trong thời gian sau khi xuất viện, bệnh nhân cần có chế độ ăn nhiều dưỡng chất hơn để cơ thể nhanh bình phục. Ở giai đoạn này, bạn có thể sử dụng thực phẩm chứa đường glucose nhưng vẫn cần tránh đồ ăn dầu mỡ. Những loại thực phẩm có thể bổ sung vào khẩu phần ăn như:

  • Thịt nạc, cá, thịt gia cầm đã được loại bỏ da.
  • Rau xanh sẫm màu, cà rốt, việt quất, nho, lựu…
  • Sữa ít béo, khoai lang, ngũ cốc nguyên hạt…

Nhóm thực phẩm đầu tiên sẽ giúp cung cấp lượng protein dồi dào cho cơ thể phục hồi sau khi điều trị bệnh viêm tụy. Trong khi đó, việc sử dụng rau xanh, trái cây hay ngũ cốc sẽ bổ sung các chất chống oxy hóa, tăng hàm lượng chất xơ, giảm lượng cholesterol trong cơ thể. Những thực phẩm này sẽ hạn chế nguy cơ hình thành sỏi mật, giảm lượng chất béo trung tính, từ đó giúp người bệnh tránh được những nguy cơ hàng đầu dẫn đến viêm tụy cấp.

Xem thêm  Bột phô mai làm từ gì? Quy trình sản xuất và lưu ý khi sử dụng
Bệnh nhân viêm tụy cấp có được uống sữa không? 4
Nên ăn rau xanh sẫm màu trong giai đoạn phục hồi sau viêm tụy

Tuyến tụy đóng vai trò quan trọng trong quá trình tiêu hóa thức ăn, do đó, khi bị viêm tụy, người bệnh cần hết sức chú ý đến chế độ ăn uống. Thông tin từ bài viết đã giúp bạn trả lời câu hỏi “viêm tụy cấp có được uống sữa không?”, thay vào đó, bạn có thể bổ sung các loại nước khác như nước lọc, nước trái cây, nước khoáng… Hãy thực hiện chế độ ăn uống phù hợp, khoa học để tình trạng viêm tụy nhanh chóng thuyên giảm, tuyến tụy mau hồi phục bạn nhé!

Hoàng Trang

Nguồn tham khảo: hellobacsi.com



Theo Nhà Thuốc Long Châu

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, tuyệt đối không làm theo hướng dẫn của bài viết.

Bài viết liên quan
- Advertisment -spot_img

Bài viết mới

Recent Comments