Bại não là thuật ngữ chỉ một nhóm rối loạn ảnh hưởng đến trương lực cơ, tư thế và/hoặc chuyển động. Bệnh có thể bắt đầu trước, trong hoặc sau khi sinh. Bại não là một chứng rối loạn kéo dài suốt đời, loại và mức độ nghiêm trọng của bệnh bại não có thể khác nhau. Nó có thể tác động đến chức năng của một người theo những cách khác nhau do đó ảnh hưởng đến người bệnh theo nhiều cách. Vậy bệnh bại não có phát hiện khi mang thai được không?
Bệnh bại não ảnh hưởng như thế nào đến cuộc sống?
Trước khi giải đáp cho thắc mắc bệnh bại não có phát hiện khi mang thai không, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu những ảnh hưởng của bệnh bại não đến cuộc sống người bệnh.
Bệnh bại não có thể gây bất thường về nhiều khía cạnh của con người như chuyển động cơ thể, khả năng kiểm soát cơ, ảnh hưởng đến chuyển động co duỗi, phối hợp động tác, phản xạ, tư thế và thăng bằng. Một số trẻ bị bệnh bại não cũng có thể mắc phải đồng thời một số tình trạng dưới đây:
- Bệnh động kinh.
- Khó khăn về các vấn đề liên quan đến thính giác.
- Khó khăn trong học tập.
- Khó khăn về các vấn đề liên quan đến thị giác.
- Suy giảm trí tuệ.
Tuy nhiên, có những đứa trẻ dù mắc bại não cũng không mắc vấn đề gì nghiêm trọng. Không có cách chữa trị bệnh bại não nhưng có những phương pháp điều trị và trị liệu có thể cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Nguyên nhân của bệnh bại não
Theo nhiều nghiên cứu khác nhau, từ 70% đến 90% trường hợp bại não xảy ra trước khi sinh.
Nguyên nhân gây bại não khi mang thai
Các nguyên nhân trong quá trình mang thai bao gồm:
- Nhiễm trùng mẹ khi mang thai: Kết quả nghiên cứu cho thấy mẹ bị nhiễm trùng khi mang thai làm tăng nguy cơ tổn thương não. Nguy hiểm nhất là nhiễm trùng không có triệu chứng (khi mẹ bầu thậm chí không biết mình bị bệnh). Các bệnh truyền nhiễm có thể gây bại não khi mang thai thường là những tác nhân như toxoplasmosis, rubella, cytomegalovirus, herpes simplex, giang mai, parvovirus và các một số vi khuẩn và virus khác.
- Đột biến gen: Đột biến gen là nguyên nhân của 1 – 2% trường hợp bại não. Tuy nhiên, vào năm 2016, một nhóm nghiên cứu do Úc đứng đầu đã phát hiện ra rằng ít nhất 14% trường hợp bại não có thể là do đột biến gen.
- Thai nhi thiếu oxy: Thiếu oxy là tình trạng cơ thể bị thiếu oxy cung cấp ở cấp độ mô và tế bào. Một đứa trẻ có thể bị thiếu oxy vì rất nhiều yếu tố. Nguy cơ thiếu oxy đáng kể nhất tồn tại trong tình trạng suy nhau thai, suy thai. Khi bệnh lý này xảy ra, lượng máu đến nhau thai không đủ và không thể cung cấp chất dinh dưỡng (bao gồm cả oxy) cho thai nhi. Tình trạng thiếu oxy rất nguy hiểm do tế bào não chết có thể dẫn đến tổn thương não nghiêm trọng dẫn đến bệnh bại não.
- Dị tật não bẩm sinh.
Các yếu tố nguy cơ gây bại não khi mang thai
Yếu tố nguy cơ chỉ làm tăng khả năng mắc bệnh chứ không phải là nguyên nhân gây bệnh, chúng bao gồm:
- Không tương thích Rh, bất đồng nhóm máu mẹ con: Khi người mẹ và thai nhi có nhóm máu không tương thích có thể dẫn đến bệnh vàng da nặng, gây ảnh hưởng lên não bộ.
- Đa thai: Các nghiên cứu cho thấy nguy cơ bại não ở trẻ sinh đôi cao hơn khoảng 12 lần.
- Rối loạn từ người mẹ: Một số rối loạn từ người mẹ làm tăng nguy cơ bại não ở trẻ. Những rối loạn này bao gồm động kinh, bệnh tuyến giáp, béo phì, rối loạn đông máu, tăng huyết áp, bất thường về tim, đái tháo đường, thiếu máu và các bệnh nghề nghiệp đặc thù.
- Thói quen xấu của mẹ: Người ta đã tìm thấy mối tương quan trực tiếp giữa hút thuốc, uống rượu hoặc sử dụng ma túy và việc sinh ra những đứa trẻ bị bại não. Thực tế là những chất này cực kỳ độc hại đối với cả bà mẹ đang mang thai và con của họ. Những chất độc này không chỉ gây ra tình trạng thiếu oxy mà còn có thể là yếu tố nguy cơ gây dị tật bẩm sinh ở các cơ quan nội tạng.
- Yếu tố môi trường: Một cách gián tiếp, tất cả mọi thứ xung quanh bà bầu cũng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của em bé. Những yếu tố này bao gồm điều kiện kinh tế xã hội, chất lượng chăm sóc sức khỏe và đặc điểm sinh thái.
Bệnh bại não có phát hiện khi mang thai không?
Các bậc cha mẹ thường thắc mắc rằng: “Bệnh bại não có phát hiện khi mang thai không?”. Thật không may, điều này không phải lúc nào cũng có thể thực hiện được. Tuy nhiên, kiểm tra và khám thai định kỳ, theo lịch trình để thực hiện các xét nghiệm đặc biệt và siêu âm có thể chỉ ra bệnh lý bất thường của thai nhi. Điều này sẽ cho phép các bác sĩ đánh giá các yếu tố rủi ro sẵn có trong thai kỳ và đưa ra các khuyến nghị, lời khuyên cho thai phụ.
Bại não thường có thể do một trong nhiều yếu tố gây ra và trong nhiều trường hợp, nguyên nhân chính xác của bệnh bại não vẫn chưa được biết rõ. Vì vậy, không có biện pháp đảm bảo nào mà bà mẹ có thể thực hiện để ngăn ngừa hoàn toàn bệnh bại não. Tuy nhiên, vẫn có thể giảm các yếu tố nguy cơ tiềm ẩn bằng cách thực hiện các biện pháp phòng ngừa sức khỏe đơn giản trong thai kỳ.
Tất cả những lời khuyên sau đây có thể giúp giảm nguy cơ bại não và các dị tật bẩm sinh khác cho con bạn, đồng thời giúp bạn có một thai kỳ khỏe mạnh:
- Tiêm vắc xin phòng các bệnh nhiễm trùng thông thường ở mẹ được biết là có khả năng gây nguy hiểm cho em bé đang phát triển.
- Thực hiện vệ sinh tốt và tránh nhiễm trùng mẹ.
- Hãy tham khảo và nghe tư vấn từ các bác sĩ nếu bạn có nguy cơ sinh non, nhằm xác định cách tốt nhất để quản lý rủi ro này.
- Gặp bác sĩ càng sớm càng tốt nếu bạn bị ốm hoặc có dấu hiệu nhiễm trùng khi mang thai.
- Hãy thăm khám hoặc gọi điện tư vấn ngay lập tức nếu bạn lo lắng về chuyển động, cử động bất thường của bé.
- Nếu trước đây bạn đã có kết quả xét nghiệm dương tính với vi khuẩn liên cầu nhóm B, hãy cho các bác sĩ biết về thông tin này.
Nếu xác định được các dấu hiệu bại não ở trẻ khi mang thai bạn nên nhờ bác sĩ đánh giá để được chẩn đoán chính xác nhất. Bại não là một tình trạng tồn tại suốt đời, hiện không thể chữa khỏi nhưng bằng cách xác định vấn đề càng sớm càng tốt, cha mẹ có thể đảm bảo con mình nhận được sự chăm sóc và hỗ trợ cần thiết.
Với những trẻ được chẩn đoán xác định là bại não, các phương pháp điều trị phù hợp để hỗ trợ sự phát triển của trẻ bao gồm:
- Vật lý trị liệu: Khuyến khích vận động và hỗ trợ cứng cơ và các vấn đề về vận động liên quan đến bại não.
- Trị liệu ngôn ngữ: Hỗ trợ giao tiếp và giảm bớt khó khăn khi nuốt.
- Phục hồi chức năng: Giúp những người bị bại não hoàn thành công việc hàng ngày dễ dàng hơn.
- Thuốc để kiểm soát tình trạng cứng cơ và các triệu chứng khác của bệnh bại não.
- Can thiệp phẫu thuật để giúp phục hồi chuyển động cho các bộ phận của cơ thể.
Tóm lại, bệnh bại não có phát hiện khi mang thai không? Câu trả lời là không có xét nghiệm duy nhất nào để chẩn đoán thai nhi bị bại não. Chăm sóc y tế tốt trong quá trình mang thai và sinh nở có thể giúp giảm nguy cơ con bạn bị bại não.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, tuyệt đối không làm theo hướng dẫn của bài viết.