Việc ăn uống không chỉ liên quan đến những gì bạn ăn mà còn khi nào bạn ăn. Có những thời điểm trong ngày mà việc ăn uống có thể dễ dàng dẫn đến tăng cân nếu không kiểm soát tốt.
Buổi sáng sau khi thức dậy
Buổi sáng, sau khi trải qua một đêm nghỉ ngơi và không ăn uống, cơ thể cần năng lượng để khởi động các hoạt động hàng ngày. Nếu bạn bỏ qua bữa sáng, cơ thể có thể chuyển sang chế độ tiết kiệm năng lượng, làm giảm trao đổi chất và dẫn đến cảm giác thèm ăn và ăn quá nhiều vào cuối ngày. Ăn sáng với các món không lành mạnh, giàu đường và dầu mỡ, có thể gây biến động mạnh về đường huyết, làm tăng cảm giác đói và thúc đẩy thói quen ăn vặt.
Để cải thiện tình trạng này, bạn nên chọn những bữa sáng giàu protein và chất xơ, như bánh mì nướng từ ngũ cốc nguyên hạt kèm trứng luộc hoặc sữa chua Hy Lạp. Các thực phẩm này giúp ổn định đường huyết và cảm giác no lâu hơn, từ đó giảm khả năng ăn vặt trong suốt ngày.
Sau 16 giờ
Vào khoảng 15 – 16 giờ, nhiều người cảm thấy mệt mỏi và uể oải, thường cảm thấy cần sử dụng các thức uống hoặc trái cây giàu đường để làm tăng sự tỉnh táo. Tuy nhiên, những thực phẩm này thường làm cho đường huyết tăng cao rồi giảm nhanh, gây ra cảm giác đói nhanh chóng và thúc đẩy việc ăn uống thêm vào sau đó.
Để cải thiện điều này, thay vì lựa chọn thức uống hoặc trái cây có nhiều đường, bạn nên ăn các thực phẩm giàu protein và chất xơ như sữa chua Hy Lạp, các loại hạt như hạt óc chó, hạt chia, hoặc có thể là một bát salad nhỏ kèm chuối chín, táo, hay các loại trái cây khác. Các lựa chọn này sẽ giúp duy trì đường huyết ổn định hơn và cảm giác no lâu hơn, từ đó giúp kiểm soát lượng calo tiêu thụ và hạn chế cảm giác thèm ăn không cần thiết vào cuối ngày.
Sau khi ăn tối
Sau khi ăn bữa tối, đặc biệt là sau khi dùng bữa ăn giàu chất béo, quá trình tiêu hóa và trao đổi chất có thể đang chịu áp lực lớn nặng nề. Điều này có thể làm giảm hiệu quả đốt cháy calo và tăng khả năng tích trữ chất béo.
Để cải thiện tình trạng này, bạn có thể thực hiện các hoạt động nhẹ nhàng ít nhất 30 phút sau bữa ăn, như đi dạo hoặc làm việc nhà. Những hoạt động này giúp tăng lượng calo tiêu thụ và thúc đẩy quá trình tiêu hóa, từ đó hỗ trợ quá trình giảm cân và duy trì sức khỏe chung.
Trước khi đi ngủ
Việc ăn trước khi đi ngủ, đặc biệt là thực phẩm giàu chất béo và đường, có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình trao đổi chất trong đêm vì cơ thể hoạt động chậm lại trong khi ngủ.
Để cải thiện điều này, bạn nên giảm thiểu ăn vặt và đặt lịch trình bữa ăn cuối cùng trong ngày ít nhất hai tiếng trước khi đi ngủ. Điều này giúp cơ thể có đủ thời gian để tiêu hóa và chuyển hóa năng lượng một phần trước khi vào giấc ngủ, từ đó giảm thiểu nguy cơ tích tụ chất béo và tối ưu hóa quá trình giảm cân.
Trong thời kỳ kinh nguyệt
Trong chu kỳ kinh nguyệt, đặc biệt là vào ‘ngày đèn đỏ’, các hormone trong cơ thể thay đổi đáng kể. Estrogen và progesterone ảnh hưởng đến sự cân bằng nước trong cơ thể. Estrogen tăng cao có thể làm tăng sự giữ nước trong cơ thể, dẫn đến tăng cân. Biến động hormone cũng có thể làm tăng cảm giác thèm ăn, đặc biệt là cảm giác thèm đường và carbohydrate.
Để cải thiện tình trạng này, duy trì một chế độ ăn uống cân bằng với nhiều chất xơ và protein để giúp cảm giác no lâu hơn và giảm cảm giác thèm ăn vặt. Trong chu kỳ kinh nguyệt, nếu sức khỏe cho phép, bạn có thể thực hiện các bài tập nhẹ nhàng như đi bộ để duy trì tốc độ trao đổi chất và đốt cháy calo thừa. Điều này sẽ giúp giảm bớt tác động tiêu cực của biến động hormone và duy trì được sự ổn định trong quá trình giảm cân.
Hy vọng qua nội dung bài viết bạn đã có thêm thông tin về 5 thời điểm ăn uống dễ làm tích mỡ, tăng cân. Xây dựng lịch trình và bữa ăn phù hợp giúp bạn duy trì cân nặng hợp lý và tránh tăng cân không mong muốn.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, tuyệt đối không làm theo hướng dẫn của bài viết.