Cải thìa là một loại rau phổ biến, chứa nguồn dinh dưỡng vô cùng phong phú, hơn nữa lại có thể chế biến thành nhiều món ăn khác nhau. Chính vì vậy, nhiều mẹ bầu thắc mắc rằng liệu bà bầu ăn rau cải thìa được không. Ở bài viết dưới đây, Nhà Thuốc Long Châu sẽ giúp bạn trả lời câu hỏi này.
Bà bầu ăn rau cải thìa được không?
Bà bầu ăn rau cải thìa được không? Cải thìa thuộc họ nhà cải, có hàm lượng dưỡng chất vô cùng phong phú như beta carotene, selen, canxi, chất xơ, axit folic… Chính vì thế, cải thìa được đánh giá là một loại rau rất tốt cho phụ nữ mang thai. Bà bầu hoàn toàn có thể sử dụng cải thìa trong những bữa ăn hằng ngày mà không phải lo lắng về những nguy cơ tiềm ăn như một số loại thực phẩm khác.
Tóm lại, câu trả lời cho câu hỏi “Bà bầu ăn rau cải thìa được không?” là hoàn toàn được.
Một số lợi ích của cải thìa đối với phụ nữ mang thai
Với nguồn dưỡng chất phong phú như vậy, cải thìa mang lại rất nhiều lợi ích tới sức khỏe của chị phụ nữ đang trong giai đoạn thai kỳ, cụ thể:
- Ngăn ngừa dị tật thần kinh ở thai nhi: Với nguồn axit folic tương đối dồi dào, cải thìa giúp ngăn ngừa những dị tật bẩm sinh cho thai nhi, cũng như hỗ trợ thai nhi phát triển một cách tốt nhất.
- Phòng ngừa tình trạng táo bón: Cải thìa chứa hàm lượng chất xơ cao, vô cùng có lợi cho hệ tiêu hóa. Mẹ bầu ăn cải thìa khi mang thai giúp hạn chế tình trạng táo bón thai kỳ, giúp hệ tiêu hóa hoạt động một cách trơn tru và hiệu quả.
- Ngăn ngừa các bệnh nhãn khoa: Beta carotene là tiền chất của vitamin A. Chúng ta đều biết rằng vitamin A là một chất vô cùng có lợi cho sức khỏe đôi mắt. Bà bầu ăn cải thìa sẽ tránh được các bệnh về mắt, tăng cường thị lực, hơn nữa còn giúp mắt của bé trở nên sáng hơn khi chào đời.
- Điều hòa huyết áp: Các bệnh lý về tim mạch khi mang thai là điều rất quan trọng mà mẹ bầu cần phải lưu ý. Cải thìa chứa lượng kali và canxi dồi dào giúp thúc đẩy tuần hoàn máu, giúp nhịp tim hoạt động bình thường, đồng thời điều hòa huyết áp, từ đó hỗ trợ bảo vệ mẹ bầu trước các vấn đề về sức khỏe tim mạch một cách hiệu quả.
- Bổ sung canxi cho cơ thể: Như đã nói ở trên, cải thìa chứa hàm lượng canxi tương đối cao, mặc dù không nhiều như một số loại rau khác (súp lơ, cải bó xôi…), nhưng cải thìa cũng là một món ăn dùng để bổ sung canxi cho cơ thể, ngăn ngừa tình trạng loãng xương ở mẹ bầu khi mang thai, đồng thời kích thích sự phát triển hệ xương và răng của thai nhi.

Cần lưu ý những gì khi sử dụng cải thìa trong thai kỳ?
Khi sử dụng cải thìa, mẹ bầu cần lưu ý một số điều dưới đây để tránh những tác dụng phụ không đáng có:
- Mặc dù chứa nhiều chất dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe, tuy nhiên mẹ bầu không nên lạm dụng quá nhiều cải thìa trong chế độ ăn uống hằng ngày, bởi có thể gây ra một số tác hại cho sức khỏe như chướng bụng, đầy hơi… Thực tế, mẹ bầu chỉ nên ăn cải thìa 2 – 3 lần trong tuần, kết hợp với những nguyên liệu khác để làm ra món ăn ngon, hấp dẫn mà lại chống ngán.
- Khi chế biến, thời gian nấu chín cải thìa không được quá dài. Sau khi rửa sạch rau cần chế biến ngay, tránh tình trạng rau bị ủng, nát. Khi xào rau nên để lửa to để tiết kiệm thời gian nấu mà vẫn giữ được độ giòn của rau.
- Không nên ăn rau đã nấu chín mà lại để qua đêm. Khi ấy, những loại vi khuẩn có hại sẽ có cơ hội xâm nhập, tạo ra các chất gây ung thư dạ dày.
- Rau cải thìa không được khuyến khích sử dụng cho những người có cơ địa nhạy cảm, dễ bị dị ứng, bởi khi ăn, những người này có thể gặp phải các triệu chứng như đỏ da, phát ban, đau họng, hen suyễn.

Một số món ăn ngon được chế biến từ cải thìa
Canh cải thìa thịt băm
Nguyên liệu:
- 2 bó cải thìa;
- 200 gram thịt vai lợn bằm;
- 5 – 10 con tôm đã lột vỏ;
- Gia vị: Hạt nêm, bột ngọt, tiêu xay, hành khô.
Cách chế biến:
- Rửa sạch cải thìa, sau đó cắt khúc vừa ăn. Thịt nạc vai rửa sạch, có thể xay hoặc bằm tùy vào khẩu vị người ăn. Bóc vỏ tôm, lấy hết chỉ đen.
- Bắc nồi lên bếp, đun sôi dầu ăn rồi phi thơm 1 củ hành khô thái lát mỏng. Sau đó cho thịt bằm và tôm vào xào chung.
- Đổ khoảng 3 ly nữa vào nồi và chờ sôi. Khi đã sôi, thả thêm rau vào, nêm nếm gia vị cho vừa ăn, chờ nước sôi lại một lần nữa thì tắt bếp.
- Có thể cho thêm hành lá để món ăn thêm ngon miệng và đẹp mắt.
Cải thìa sốt thịt bò
Nguyên liệu:
- 4 cây cải thìa;
- 150 gram thịt bò;
- Gia vị: Tương ớt, dầu mè, bột ngô…
- Gia vị ướp thịt bò: 1 muỗng cà phê tỏi băm, tiêu, muối, dầu ăn…
Cách làm:
- Bổ đôi cây cải thìa theo chiều dọc, rửa sạch cây cải. Đun sôi nước với một ít muối, dầu thực vật, sau đó chần cải thìa trong nước sôi, vớt ra và để ráo nước.
- Thịt bò cắt lát miếng vừa ăn rồi ướp với gia vị. Tỏi tây cắt khúc hoặc bằm nhỏ tùy khẩu vị.
- Làm nóng chảo rồi cho ít dầu ăn, sau đó cho tỏi tây vào xào thơm. Tiếp đến cho thịt bò vào, đảo nhanh tay. Cho tương ớt vào chén nước dùng, khuấy đều rồi đổ vào chảo, tiếp tục đun sôi.
- Thêm 2 muỗng canh tinh bột, nửa muỗng canh dầu mè rồi tắt bếp.
- Đặt cải thìa đã được chần qua nước sôi lên mặt đĩa, phần lá hướng vào bên trong lòng đĩa, mặt cắt úp xuống dưới. Xếp thịt bò lên trên lá cải rồi tưới nước dùng lên trên là xong.

Như vậy, bài viết trên đã giúp bạn giải đáp được thắc mắc: “Bầu ăn rau cải thìa được không?”, đồng thời đưa ra một số lưu ý khi sử dụng cải thìa, cũng như những món ăn ngon được làm từ cải thìa cho mẹ bầu. Khi mang thai, cơ thể cần nạp nhiều chất dinh dưỡng để tăng cường sức đề kháng, đồng thời cũng tăng cường sức khỏe thai nhi. Vì vậy, mẹ bầu cần có một chế độ ăn uống lành mạnh, đầy đủ dinh dưỡng để có một thai kỳ khỏe mạnh nhé. Chúc bạn đọc thật nhiều sức khỏe và hãy tiếp tục theo dõi những bài viết tiếp theo trên trang web của Nhà Thuốc Long Châu nhé!
Ánh Vũ
Nguồn tham khảo: Tổng hợp
Lưu ý: thông tin trong bài viết chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị bệnh. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.