Đu đủ là một loại trái cây phổ biến tại Việt Nam. Từ lâu đu đủ đã được biết đến là một thức quả ngon ngọt, bổ dưỡng và mang nhiều công dụng làm đẹp cho chị em. Tuy nhiên trong chu kỳ thai nhiều gia đình lại cấm tuyệt đối thai phụ ăn đu đủ. Hãy cùng tìm hiểu thực hư chuyện ăn đu đủ xanh có bị sảy thai?
Ăn đu đủ xanh có bị sảy thai không?
Đu đủ xanh xuất hiện nhiều trong các món ăn Việt Nam, điển hình là gỏi đu đủ, nộm đu đủ xanh, đu đủ xanh ngâm chua, đu đủ xanh hầm chân giò còn là món ăn được cho là kích thích sữa mẹ trong dân gian.
Với người bình thường, đu đủ xanh là loại quả lành tính, việc ăn nhiều đu đủ xanh thường không gây hại hay tạo ra bất thường gì cho sức khỏe. Tuy nhiên đối với bà bầu, đặc biệt là trong giai đoạn 3 tháng đầu tiên, đu đủ xanh là loại thực phẩm cần tránh trong thực đơn.
Hoạt chất trong đu đủ xanh
Trong đu đủ xanh có chứa chất papain – một loại hợp chất có tác dụng như hormone oxytocin và prostaglandin trong cơ thể, gây kích thích co thắt cơ tử cung. Ở giai đoạn đầu thai kỳ, thai còn yếu và dễ bị tác động làm bong chân bám trên niêm mạc tử cung của mẹ, vì vậy một cơn co thắt tử cung có thể gây đe dọa sảy thai.
Trong thực nghiệm, papain được dùng như một enzyme phân cắt protein bởi khả năng làm ly giải protein, đối với thai sản, papain được cho là gây hại cho mô và phôi thai, tăng khả năng đào thải sau khi phôi làm tổ và cản trở sự phát triển tế bào của thai. Mặt khác, papain còn làm tăng tình trạng phù và xuất huyết nhau thai, dễ dẫn đến tình trạng chảy máu, sinh non cho thai phụ.
Các enzyme trong hạt đu đủ và nhựa đu đủ có tác dụng gây co bóp cơ, trong các bài thuốc đông y chúng hoạt động như một vị thuốc nhuận tràng. Ngoài ra, nhựa đu đủ cũng được báo cáo là gây dị ứng ở rất nhiều người, đối với thai phụ, phản ứng dị ứng có thể gây nên nhiều biến chứng nguy hiểm.
/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/an_du_du_xanh_co_bi_say_thai_khong_2_27408bf054.jpg)
Bằng chứng trên thực nghiệm
Với quá trình thụ thai
Nghiên cứu của các nhà khoa học tại Viện Đại học Sussex công bố cho thấy papain trong đu đủ xanh gây cản trở quá trình thụ thai ở phụ nữ. Điều này dựa trên giả thuyết về 2 tác động chính của papain đó là ức chế hormone sinh dục progesterone và phá hủy màng tế bào phôi thai. Điều này gây bất thường trong nội tiết tố của mẹ và làm yếu các thành phần bảo vệ thai, khiến thai dễ bị hư hại.
Với sự hoạt động của tinh trùng
Nghiên cứu trên chuột và thỏ đực cho thấy: Chloroform chiết xuất từ hạt đu đủ có khả năng ức chế vận động của tinh trùng ở chuột và giảm quá trình sinh tinh ở thỏ. Kết quả này đã mở ra hướng nghiên cứu về việc sử dụng chiết xuất chloroform từ hạt đu đủ xanh như chất tránh thai tạm thời không gây độc.
Thử nghiệm trên khỉ Langur cho thấy tác dụng tránh thai xuất hiện sau 30 đến 60 ngày, sau khi ngưng dùng 150 ngày thì các chức năng sinh tinh được phục hồi hoàn toàn. Đối với thai phụ, khi phôi thai đã làm tổ thì những tác động trên tinh trùng không còn ý nghĩa, tuy nhiên việc ức chế sinh tinh cũng cho thấy hoạt chất này có tác động đến hệ nội tiết và có thể làm mất cân bằng nội tiết ở thai phụ. Với các cặp vợ chồng đang có ý định mang thai, nên tránh ăn phải hạt đu đủ ở cả vợ và chồng.
Với khả năng gây cơn co tử cung
Một nghiên cứu khác tại Ấn Độ thử nghiệm trên các chuột cái đang mang thai cho thấy nhóm chuột được uống nước có nhựa đu đủ xanh phát sinh nhiều đợt co thắt cơ tử cung hơn so với nhóm uống nước bình thường.
Các cơn co thắt tử cung gây sảy thai ở giai đoạn đầu thai kỳ và tác dụng mạnh nhất ở giai đoạn sau của thai kỳ, có tác dụng giống oxytocin – một loại thuốc kích thích co tử cung thúc đẻ. Ngoài ra chuột con ở nhóm uống nước chứa nhựa đu đủ xanh cho thấy sức khỏe yếu hơn và tỷ lệ dị tật cao hơn nhóm uống nước bình thường.
Do yếu tố đạo đức nên không có nghiên cứu nào về đu đủ xanh được thực hiện trên con người, tuy nhiên dựa trên những bằng chứng được thử nghiệm trên động vật, có thể thấy một thống kê đáng kể về tác hại của đu đủ xanh lên quá trình mang thai.
Bà bầu ăn đu đủ chín được không?
Nhiều thai phụ chỉ loại bỏ đu đủ xanh ra khỏi thực đơn và vẫn ăn đu đủ chín, trong khi một số người thì tránh ăn hoàn toàn cả đu đủ xanh và chín trong suốt quá trình mang thai. Hẳn phần trên đã giúp bạn trả lời câu hỏi có đu đủ xanh có bị sảy thai không. Vậy mẹ bầu có nên ăn đu đủ chín khi mang thai không?
Các hợp chất gây hại đến thai phụ đều nằm ở nhựa đu đủ và hạt đu đủ. Khi đu đủ chín, nhựa đu đủ được chuyển hóa thành hợp chất khác không gây hại, đồng thời cách ăn đu đủ luôn là loại bỏ hạt. Vì vậy ăn đu đủ chín với lượng vừa phải không những không gây hại mà còn mang lại nhiều lợi ích tốt cho bà bầu như:
- Chống oxy hóa: Carotenoid, lycopene trong đu đủ chín có thể trung hòa các gốc tự do trong cơ thể. Ngoài ra các hợp chất chống oxy hóa trong đu đủ còn có tác dụng làm giảm căng thẳng, giảm lão hóa, giảm nguy cơ tiểu đường thai kỳ, suy giáp và ung thư.
- Bổ sung nhiều vitamin cần thiết: Đu đủ chín chứa nhiều vitamin A, B, C và beta-carotene…là những hoạt chất có lợi cho sức khỏe, tăng cường miễn dịch và bồi bổ cho thai nhi.
- Giúp tiêu hóa dễ dàng, giảm táo bón: Đu đủ chứa nhiều chất xơ có thể làm giảm vấn đề táo bón rất phổ biến ở thai phụ.
- Đu đủ chín chứa axit folic, cần thiết cho quá trình tạo máu ở mẹ và kích thích phát triển thần kinh của bé.
- Đu đủ chín làm đẹp da, phát triển tuyến vú giúp tăng tiết sữa.
/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/an_du_du_xanh_co_bi_say_thai_khong_3_1c4930b0ae.jpg)
Tuy nhiên để an tâm hơn, bạn nên tham khảo thêm sự tư vấn của các bác sĩ và chuyên gia dinh dưỡng. Bên cạnh đó, các chất dinh dưỡng trong đu đủ chín hoàn toàn có thể thay thế được bằng các loại thực phẩm và trái cây khác cũng thơm ngon và bổ dưỡng không kém. Bạn chỉ nên ăn đu đủ chín không quá 500g một lần và thỉnh thoảng vài tuần một lần trong khi đan xen kết hợp ăn cùng các loại hoa quả khác.
Thực hư phương pháp phá thai bằng đu đủ xanh
Dựa trên tác dụng thực tế của đu đủ xanh lên thai phụ, trong dân gian lưu truyền nhiều kinh nghiệm dùng đu đủ xanh để bỏ thai. Tuy nhiên, các chuyên gia phụ sản cho biết hiện chưa có một công trình khoa học nào công nhận khả năng phá thai bằng cách ăn đu đủ xanh.
Đây được xem là cách làm phản khoa học và có nhiều nguy hiểm tiềm ẩn. Thứ nhất, không biết được chính xác lượng đu đủ xanh bao nhiêu có thể gây sảy thai. Thứ hai, rất khó để dự đoán thời gian, cách thức, di chứng sau sảy thai của việc ăn nhiều đu đủ xanh. Việc cố ý ăn đu đủ xanh làm sảy thai có thể gây ra nhiều biến chứng.
- Sót thai, thai lưu: Tác dụng kích thích co tử cung của đu đủ không thể mạnh như các thuốc phá thai, vì vậy dễ để lại biến chứng thai lưu, gây chết thai nhưng không tống thai ra ngoài được. Lâu ngày phôi thai hoại tử có thể gây nhiễm trùng nặng nề cho mẹ.
- Những cơn đau liên hồi, tình trạng xuất huyết, mất máu không được nắm bắt, kiểm soát và xử lý kịp thời, gây nên nhiều tình huống nguy hiểm cho thai phụ.
- Sử dụng phương pháp dân gian không có sự kiểm soát của bác sĩ có thể để lại nhiều biến chứng lâu dài cho thai phụ như rối loạn kinh nguyệt, stress, mệt mỏi, mất máu, viêm nhiễm…
- Đu đủ xanh có thể không gây ngưng thai mà để lại những dị tật cho thai nhi sau này.
/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/an_du_du_xanh_co_bi_say_thai_khong_4_ebb57df555.jpg)
Bỏ thai là thủ thuật cần được thực hiện bởi các bác sĩ chuyên khoa phụ sản, tuyệt đối không tự xử lý tại nhà hay làm theo các phương pháp phản khoa học để lại nhiều hậu quả đáng tiếc.
Trong thời kỳ mang thai, có rất nhiều điều mà thai phụ cần lưu ý, đặc biệt là trong chuyện ăn uống. Rất nhiều loại thực phẩm người bình thường có thể ăn nhưng lại gây hại cho người mang thai. Hy vọng bài viết này đã giải đáp cho bạn câu hỏi ăn đu đủ xanh có bị sảy thai không. Chúc bạn và gia đình luôn mạnh khỏe!
Ánh Vũ
Nguồn tham khảo: Tổng hợp
Lưu ý: thông tin trong bài viết chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị bệnh. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.