Nguồn năng lượng từ ánh nắng mặt trời mang đến nhiều lợi ích như thúc đẩy quá trình quang hợp của thực vật, kích thích cơ thể sản sinh vitamin D,… Thế nhưng, việc gì cũng cần phải có sự cần bằng. Nếu cơ thể chúng ta tiếp xúc với ánh nắng mặt trời quá nhiều thì sẽ gây ra nhiều tác hại cho làn da và sức khỏe, tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư da. Có thể nói rằng, tình trạng cháy nắng và ung thư da có mối liên quan chặt chẽ với nhau.
Tác hại của tia UV lên làn da
Phơi nắng quá nhiều sẽ khiến cho tế bào da bị tổn hại, dẫn đến nhiều tác hại xấu cho làn da:
Da bị cháy nắng, phồng rộp
Khi làn da tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời trong thời gian dài, chúng sẽ bị ửng đỏ, nóng rát, sưng tấy,… Đây là những triệu chứng của tình trạng cháy nắng. Tình trạng này xảy ra khi da bị hư tổn bởi tác động của tia UVB từ ánh nắng mặt trời. Thông thường thì sau 5 tiếng khi da phơi nắng nhiều, cơ thể mới xuất hiện những dấu hiệu này.
Trong trường hợp cháy nắng nghiêm trọng, vùng da bị tổn thương không chỉ đỏ rát mà còn phồng rộp lên nhiều mụn nước. Nếu các mụn nước này bị vỡ thì sẽ rất dễ khiến da bị nhiễm trùng. Thời gian tia nắng mặt trời hoạt động mạnh nhất là từ 10 giờ sáng đến 16 giờ chiều. Thời điểm này da rất dễ bị cháy nắng khi không được che chắn cẩn thận hoặc không thoa kem chống nắng.
Da dễ bị dị ứng ánh nắng mặt trời
Một tác hại khác của tia UV đó chính là khiến làn da dễ bị dị ứng khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Theo các chuyên gia, trong số những bệnh nhân bị dị ứng thì có đến 90% trường hợp phát ban ánh sáng đa dạng do ánh nắng mặt trời gây ra. Nguyên nhân khiến xảy ra tình trạng này là do tế bào da bị kích thích bởi sự oxy hóa của tia UVA, và quá trình sản sinh các gốc tự do do tia UVB gây ra.
Dị ứng quang học
Dị ứng quang học còn được gọi là phản ứng nhạy cảm với ánh sáng. Tình trạng này xảy ra khi một số thành phần của một số dược phẩm bình thường không gây ra vấn đề gì, nhưng khi tiếp xúc với tia UV sẽ tạo ra phản ứng hóa học gây dị ứng da. Dị ứng quang học có thể là kết quả của việc sử dụng thuốc qua đường uống, hoặc cũng có khả năng xuất phát từ một số mỹ phẩm, thuốc bôi ngoài da.
Mối liên hệ giữa cháy nắng và ung thư da
Theo ý kiến của PGS.TS Lê Hữu Doanh – Phó Giám đốc BV Da liễu Trung ương cho biết, khi bạn tiếp xúc trực tiếp nhiều với ánh nắng mặt trời trong thời gian dài, làn da sẽ bị hư tổn nghiêm trọng. Tình trạng này nếu tiếp tục kéo dài mà không được khắc phục, thì tia UV trong ánh nắng mặt trời sẽ phá hủy cấu trúc tế bào da. Hậu quả của quá trình phá hủy này sẽ dẫn đến da bị dày sừng ánh nắng, tệ hại hơn là kích thích phát triển các gốc tự do gây ra ung thư tế bào gai.
/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/Chay_nang_va_ung_thu_da_co_moi_lien_he_voi_nhau_khong_2_924e75cc74.jpg)
Tế bào ung thư này sẽ có khả năng lan rộng, xâm lấn hoặc di căn nhanh chóng qua nhiều vùng khác trong cơ thể. Theo các số liệu báo cáo, hơn 90% trường hợp ung thư tế bào gai sẽ chuyển biến thành ung thư da.
Vì thế, chúng ta có thể kết luận rằng tình trạng cháy nắng lâu ngày sẽ dẫn đến ung thư da. Cả hai có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Điều này cũng lý giải tại sao bạn nên đi khám sớm khi có dấu hiệu da bị dày sừng ánh nắng để được điều trị kịp thời để ngăn ngừa sớm ung thư da và các bệnh ung thư khác.
Cách khắc phục làn da bị cháy nắng
Khi bị cháy nắng, bạn dùng khăn mềm chườm nước lạnh và đắp lên để làm dịu vùng da đang bị thương tổn đó. Hoặc bạn có thể lấy gel nha đam nguyên chất đắp lên vị trí bị cháy nắng. Một điều bạn nên chú ý là không nên chà mạnh lên chỗ cháy nắng này. Bởi lẽ, vùng da này đang bị hư tổn nên khá nhạy cảm. Khi bị ma sát mạnh sẽ rất dễ kích ứng hoặc làm vết thương nghiêm trọng hơn.
/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/Chay_nang_va_ung_thu_da_co_moi_lien_he_voi_nhau_khong_3_257c1d6413.jpg)
Sau bước làm mát da, bạn thoa kem dưỡng ẩm hoặc kem có chiết xuất nha đam lên da. Trong trường hợp cháy nắng nặng, đau đớn và khó chịu nhiều, cách tốt nhất là bạn nên đi đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt. Bác sĩ chuyên khoa da liễu sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp với bạn.
Trong bài là những thông tin cần thiết giúp bạn giải đáp được thắc mắc “Cháy nắng và ung thư da có mối liên hệ với nhau không?” mà chúng ta đã đặt ra ở phần đầu bài viết này. Tóm lại, ung thư da và cháy nắng có mối liên quan mật thiết với nhau. Vì thế, bảo vệ da không bị cháy nắng cũng là cách phòng ngừa ung thư da hiệu quả. Hy vọng rằng qua các nội dung hữu ích trên sẽ giúp bạn có thêm nhiều kinh nghiệm khi chăm sóc làn da và sức khỏe của mình.
Bảo Vân
Nguồn tham khảo: Tổng Hợp
Lưu ý: thông tin trong bài viết chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị bệnh. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.