Chế độ dinh dưỡng hợp lý giúp mẹ bầu kiểm soát tốt đường huyết, hạn chế tối đa hậu quả của bệnh lý tiểu đường thai kỳ. Những mẹ bầu không may bị đái tháo đường khi mang thai cần thực sự cẩn trọng trong lựa chọn thực phẩm. Khoai lang có nhiều lợi ích cho sức khỏe. Nhưng vì có vị ngọt tự nhiên nên nhiều mẹ bầu vẫn băn khoăn tiểu đường thai kỳ ăn khoai lang được không?
Tiểu đường thai kỳ là gì?
Tiểu đường (hay còn gọi là đái tháo đường) là một bệnh rối loạn chuyển hóa với biểu hiện lượng đường trong máu luôn cao hơn bình thường. Nguyên nhân có thể do kháng insulin, thiếu hụt insulin hoặc cả 2 nguyên nhân trên. Insulin là 1 hormone do tế bào beta của tụy tiết ra để chuyển hóa tinh bột, chất béo, chất đạm trong cơ thể và làm hạ đường huyết.
Bệnh tiểu đường thai kỳ là bệnh lý rối loạn dung nạp glucose phát sinh trong quá trình mang thai. Bệnh thường không đi kèm các triệu chứng hay biểu hiện rõ ràng và nó có thể tự chấm dứt sau sinh khoảng 6 tuần. Thông thường, mẹ bầu sẽ phát hiện ra mình bị tiểu đường thai kỳ khi làm các xét nghiệm đường huyết từ tuần thai 24 đến giữa tuần thai 28.
Tiểu đường thai kỳ thường đi kèm các biểu hiện như:
- Mẹ bầu thường xuyên có cảm giác khô miệng mặc dù uống đủ nước. Cảm giác khát nước và muốn uống nhiều nước hơn bình thường lúc nào cũng thường trực.
- Cơ thể mẹ bầu cảm thấy mệt mỏi mặc dù không ốm nghén cũng chưa đến lúc cơ thể quá nặng nề.
- Đi tiểu nhiều hơn bình thường.
Lợi ích của khoai lang với mẹ bầu
Trước khi tìm câu trả lời cho câu hỏi “tiểu đường thai kỳ ăn khoai lang được không?”, chúng ta sẽ cùng điểm qua những lợi ích của khoai lang với mẹ bầu:
- Vitamin A có trong củ khoai lang hỗ trợ quá trình trao đổi chất ở cơ thể mẹ. Đồng thời, chất này cũng có vai trò quan trọng trong duy trì mô và sự phát triển của thai nhi.
- Trong khoai lang còn có hàm lượng lớn beta carotene. Hoạt chất này thúc đẩy quá trình chuyển hóa vitamin A trong cơ thể mẹ.
- Vitamin C cũng là thành phần quan trọng có trong khoai lang. Vitamin C có tác dụng chống nhiễm trùng, hỗ trợ cơ thể hấp thu sắt, ngăn ngừa thiếu máu do thiếu sắt ở mẹ bầu. Loại vitamin này cũng có tác dụng tăng cường mạch máu cho nhau thai, giảm nguy cơ bong nhau thai và cung cấp thêm oxy cho bào thai.
- Trong khoai lang có một lượng lớn vitamin E. Vitamin E rất quan trọng với sự phát triển của đầu và mắt phôi thai. Nó cũng giúp phòng ngừa nguy cơ thiếu máu và nhiễm trùng ở cả mẹ bầu và thai nhi.
- Các vitamin nhóm B (B6, B5, B9), đặc biệt là B9 (hay còn gọi là acid Folic) vô cùng cần thiết trong quá trình hình thành ống thần kinh của thai nhi. Nhu cầu vitamin B9 của mẹ bầu khoảng 400 – 600mcg/ngày. Trong đó 100g khoai lang đã có thể cung cấp 50 – 90 mcg.
- Kali trong khoai lang giúp cân bằng và điều hòa huyết áp của cơ thể mẹ.
- Mangan có trong khoai lang có tác dụng bảo vệ tế bào, kích thích chuyển hóa chất bột đường, cholesterol và các acid amin, giúp mẹ bầu và thai nhi khỏe mạnh.
- Trong khoai lang không có chất béo và cholesterol nên đây là thực phẩm có tác dụng “lọc” mỡ máu, kiểm soát nhịp tim, giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch cho mẹ bầu.
- Các chất chống oxy hóa tự nhiên trong khoai lang, nhất là khoai lang tím bảo vệ các tế bào khỏi sự tấn công của các gốc tự do.
- Hàm lượng Canxi và Sắt dồi dào trong củ khoai lang giúp phòng ngừa nguy cơ loãng xương, thiếu máu do thiếu sắt ở mẹ bầu.
- Natri giúp giữ và cân bằng chất lỏng trong cơ thể mẹ đồng thời giảm nguy cơ suy dinh dưỡng bào thai.
- Chất xơ trong khoai lang giúp giảm táo bón – tình trạng thường gặp ở đa số mẹ bầu.
- Chất đường bột trong khoai lang góp phần cung cấp năng lượng cho mẹ bầu và hỗ trợ hình thành tế bào thần kinh của thai nhi.
/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/tieu_duong_thai_ky_an_khoai_lang_duoc_khong_1_511bdf79f9.jpg)
Tiểu đường thai kỳ ăn khoai lang được không?
Lựa chọn thực phẩm phù hợp cũng là một cách điều trị tiểu đường thai kỳ. Vì vậy nhiều mẹ bầu băn khoăn có nên ăn khoai lang nếu mắc đái tháo đường thai kỳ? Câu trả lời của các chuyên gia dinh dưỡng là có nhưng nên ăn với mức độ phù hợp.
Nhiều mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ cho rằng khoai lang có chứa chất đường bột và lại có vị ngọt tự nhiên nên bỏ qua thực phẩm này. Nhưng thực tế, khoai lang khi chế biến chín có chỉ số đường huyết thấp. Cứ 100g khoai lang luộc chín chứa khoảng 4,2g đường (tương đương 1/2 lượng đường trong 100g cơm trắng). Vì vậy, ăn khoai lang đúng cách còn là giải pháp kiểm soát tiểu đường thai kỳ hiệu quả.
Ngoài ra, với hàm lượng chất xơ phong phú, khoai lang vừa hỗ trợ tiêu hóa, vừa tạo cảm giác no lâu, giúp mẹ bầu kiểm soát tăng cân hiệu quả. Những mẹ bầu tăng quá nhiều cân trong thai kỳ hoặc mẹ bầu có cơ địa thừa cân nên ưu tiên sử dụng khoai lang thay vì cơm trắng, bánh mì trắng, bún, phở…
Đến đây, chắc hẳn mẹ bầu đã biết tiểu đường thai kỳ ăn khoai lang được không rồi chứ? Vậy loại khoai lang nào là tốt nhất? Theo các chuyên gia dinh dưỡng, mỗi loại khoai lang lại có một ưu điểm khác nhau:
- Khoai lang Nhật (hay khoai lang vàng) có hoạt chất caiapo (một chất có tác dụng kiểm soát đường huyết), vừa làm giảm đường huyết trong 2 giờ vừa giúp giảm cholesterol.
- Khoai lang ruột cam có lượng đường bột cực thấp, chỉ số đường huyết thấp và lượng chất xơ cao.
- Khoai lang tím có chỉ số đường huyết thấp hơn khoai lang ruột cam. Đặc biệt, loại khoai này còn chứa hợp chất Anthocyanin giúp cải thiện tình trạng kháng insulin, giảm nguy cơ mắc tiểu đường tuýp 2.
/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/tieu_duong_thai_ky_an_khoai_lang_duoc_khong_3_0fb83e13a3.jpg)
Bị tiểu đường thai kỳ cần lưu ý gì khi ăn khoai lang?
Dù khoai lang tốt cho sức khỏe mẹ bầu, bị tiểu đường thai kỳ vẫn có thể ăn khoai lang, nhưng cũng có những lưu ý quan trọng mẹ không nên bỏ qua như:
- Không nên ăn quá nhiều khoai lang vì thực phẩm này vẫn cung cấp một lượng đáng kể tinh bột. Lượng phù hợp khoảng 250g khoai lang chín mỗi ngày.
- Mẹ bầu nên ăn khoai lang hấp, luộc, nướng thay vì khoai chiên, rán hay các loại snack khoai lang.
- Không ăn khoai lang đã mọc mầm hoặc khoai lang sống.
- Ngoài khoai lang, mẹ bầu cần ăn phong phú các loại thực phẩm khác để đủ dưỡng chất cho cơ thể mẹ và sự phát triển của thai nhi.
Nếu không may mắc tiểu đường thai kỳ, mẹ bầu cần lựa chọn thực đơn khắt khe. Bởi thực phẩm mẹ bầu ăn hàng ngày ảnh hưởng không nhỏ đến chỉ số đường huyết trong cơ thể. Tìm hiểu tiểu đường thai kỳ nên ăn gì và kiêng gì là việc mẹ bầu nên làm. Với những thông tin trên, mẹ bầu đã biết tiểu đường thai kỳ ăn khoai lang được không và biết ăn ăn khoai lang khoa học rồi đúng không nào?
Thanh Hương
Nguồn tham khảo: Tổng hợp
Lưu ý: thông tin trong bài viết chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị bệnh. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.