Thứ Hai, Tháng 2 24, 2025
spot_img
HomeMẹ BầuMang ThaiCó thai có được uống thuốc say xe không?

Có thai có được uống thuốc say xe không?


Phụ nữ có thai là những đối tượng cần được cân nhắc khi sử dụng thuốc. Vậy có thai có được uống thuốc say xe không? Thuốc này có ảnh hưởng đến thai nhi không? Tất cả sẽ được Nhà Thuốc Long Châu giải đáp ở bài viết dưới đây.

Có thai có được uống thuốc say xe không?

Say tàu xe là gì?

Say tàu xe là một chứng rối loạn phổ biến xảy ra ở vùng tai trong. Hiện tượng này xảy ra khi cảm giác chuyển động ở tai, cảm giác ở mắt và cảm giác ở các cơ xung đột với nhau. Lúc đó, não bộ không thể xử lý tất cả các tín hiệu xung đột này dẫn đến làm cho cơ thể có cảm giác chóng mặt và buồn nôn.

Say xe thường xảy ra với tất cả các đối tượng. Thế nhưng đối với mẹ bầu, tình trạng này càng trầm trọng hơn bởi những nguyên nhân sau:

  • Lượng máu trong cơ thể mẹ được ưu tiên để nuôi dưỡng thai nhi. Vì vậy, lượng máu dùng để nuôi não và khu vực tiền đình giảm dẫn đến mẹ bầu dễ bị say tàu xe hơn.
  • Áp lực của em bé trong bụng lên dạ dày khiến mẹ dễ bị buồn nôn trong quá trình di chuyển.
  • Quá trình mang thai khiến nhiều mẹ bầu ăn uống không đủ chất gây tình trạng suy nhược, mệt mỏi.
  • Rối loạn giấc ngủ, thiếu ngủ, luôn lo lắng khi mang thai cũng là điều kiện thuận lợi làm các mẹ dễ bị say tàu xe hơn.
Có thai có được uống thuốc say xe không? 2 Thiếu máu nuôi não và khu vực tiền đình khiến mẹ bầu dễ bị say xe

Ngoài ra, một số yếu tố bên ngoài tác động vào cũng khiến bà bầu dễ bị say tàu xe như:

  • Xe có mùi quá nồng hay mùi khó chịu.
  • Không khi trên xe ngột ngạt, thiếu thông thoáng.
  • Trước khi di chuyển, mẹ bầu ăn những món khó tiêu hóa hoặc ăn quá no.
  • Não bộ không phân biệt được giữa việc đứng yên và chuyển động.
  • Đọc sách hay sử dụng điện thoại trong lúc di chuyển.
  • Xe đi ngang qua khu vực nhiều khói bụi.
Xem thêm  Bà bầu uống nước vối có tốt không? Công dụng tuyệt vời của nước vối có thể mẹ chưa biết

Có thai có được uống thuốc say xe không?

Đây là câu hỏi được rất nhiều mẹ bầu quan tâm bởi phụ nữ có thai là đối tượng rất nhạy cảm với thuốc. Việc sử dụng thuốc khi mang thai rất cần được cân nhắc. Theo nhiều chuyên gia nhận định rằng thuốc say xe ít gây ảnh hưởng tới thai nhi và khá an toàn đối với phụ nữ có thai. Do đó, các mẹ có thể dùng một số loại thuốc chống say xe để ngăn ngừa cảm giác khó chịu.

Tuy nhiên, thai kỳ là khoảng thời gian khá nhạy cảm nên các mẹ cần phải hết sức cẩn thận khi dùng thuốc. Trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại thuốc chống say xe nhưng mẹ bầu không được tự ý dùng thuốc. Sử dụng thuốc đúng liều lượng và tuân theo sự chỉ dẫn của bác sĩ để tránh những tác dụng không mong muốn của thuốc.

  • Dùng các loại thuốc có chứa hoạt chất Dimenhydrinate, Diphenhydramine hay Meclizine. Đây đều là thuốc thuộc nhóm kháng Histamin H1 có tác dụng chống say tàu xe.
  • Scopolamine cũng là thuốc chống say xe, tuy không gây hại cho thai nhi nhưng không được bác sĩ khuyên dùng bởi tác dụng phụ mà chúng gây ra như chóng mặt, run rẩy, mệt mỏi, gây khó chịu cho mẹ bầu.
  • Ngoài ra, phụ nữ có thai nên bổ sung vitamin B6 để giảm bớt tình trạng buồn nôn và nôn của chứng say xe.
Có thai có được uống thuốc say xe không? 3 Vitamin B6 được sử dụng thêm để làm giảm triệu chứng

Bà bầu nên uống thuốc trước 30 phút – 1 tiếng trước khi lên xe để thuốc phát huy được hết tác dụng. Một số điều cần lưu ý khi dùng thuốc như:

  • Tác dụng phụ không mong muốn của thuốc say xe là gây buồn ngủ, vì vậy không nên sử dụng khi lái xe hay những lúc đang làm những công việc đòi hỏi sự tập trung.
  • Mẹ bầu nên uống sau khi đã ăn no bởi đa số thuốc sẽ gây kích ứng nhẹ ở dạ dày. Nếu uống vào lúc đói có thể gia tăng nguy cơ bị viêm loét dạ dày.
  • Tránh việc lạm dụng thuốc vì sẽ gây ra nhiều tác dụng phụ không mong muốn.
  • Tham khảo ý kiến, tư vấn của bác sĩ chuyên khoa trước khi dùng thuốc.
Xem thêm  Dấu hiệu thai 14 tuần khỏe mạnh là gì? Bà bầu 14 tuần có những thay đổi như thế nào?

Biện pháp giúp hạn chế say tàu xe mà không cần dùng thuốc

Nếu như các mẹ còn quan ngại về tác dụng phụ của thuốc chống say xe mang lại thì có thể áp dụng một số liệu pháp tự nhiên mà không cần dùng thuốc, cụ thể như:

  • Không nên ăn quá no hay ăn thực phẩm chiên xào, nhiều dầu mỡ trước khi lên xe.
  • Mẹ bầu nên mặc quần áo rộng rãi, thoải mái không mặc đồ quá bó sát khi di chuyển.
  • Không nên nhìn vào điện thoại quá lâu, đọc sách hay chăm chú quan sát một vật gì đó ở cự ly gần.
  • Mẹ bầu có thể áp dụng phương pháp bấm huyệt nội quan ở khu vực chính giữa cổ tay mỗi khi cảm thấy buồn nôn.
  • Lựa chọn chỗ ngồi gần cửa sổ, thoáng mát, tránh xa những mùi khó chịu như thuốc lá…
  • Ghế ngồi nên để ở trạng thái ngả về sau càng nhiều càng tốt. Nếu đi ô tô thì nên chọn chỗ ngồi ở phía trước của xe hoặc hàng ghế phía trên thay vì ngồi ở phía dưới. Đi máy bay thì nên chọn ngồi ở khu vực ghế gần cánh máy bay để giảm sự rung lắc. Còn nếu đi thuyền thì nên lựa chọn vị trí ngồi ở boong dưới hoặc cabin.
  • Dùng gừng tươi gọt vỏ, rửa sạch, giã nát rồi vắt lấy nước uống hoặc nhai nát gừng, sau đó uống với một ly nước ấm. Việc này nên làm trước khi lên xe khoảng 30 – 60 phút. Ngoài ra, bạn cũng có thể ngậm một lát gừng mỏng trong miệng trong suốt quá trình đi xe.
  • Bạn có thể đem theo một quả chanh hoặc cam để ngửi bất cứ lúc nào mỗi khi cảm thấy khó chịu. Mùi thơm từ vỏ chanh hoặc cam sẽ giúp chị em đỡ say xe hơn.
  • Chuẩn bị sẵn một túi kẹo gừng, kẹo me hoặc một món ăn vặt nào đó có vị hơi chua.
  • Luôn mang bên người một chai dầu gió cũng sẽ giúp bạn hạn chế tình trạng say tàu xe rất tốt đấy.
Có thai có được uống thuốc say xe không? 4 Dầu gió là vị cứu tinh cho mẹ bầu mỗi khi di chuyển đường dài

Trong quá trình mang thai, người mẹ phải luôn thường xuyên theo dõi tình trạng sức khỏe của mình và thai nhi thông qua việc khám thai đầy đủ và có chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt điều độ. Việc dùng thuốc chống say xe cho bà bầu cũng đã được chứng minh là không gây ảnh hưởng đến thai nhi, tuy nhiên các mẹ cũng không nên tự ý dùng thuốc mà phải tham vấn ý kiến của bác sĩ chuyên khoa, tránh những tác động xấu từ bệnh tật cũng như các sản phẩm thuốc ảnh hưởng đến thai kỳ.

Xem thêm  Sảy thai sinh hóa là gì?

Hy vọng bài viết trên đã phần nào giúp bạn có câu trả lời cho câu hỏi “Có thai có được uống thuốc say xe không?”. Đừng để tình trạng say tàu xe cản trở những chuyến đi vui vẻ của mẹ bầu nhé. Nhà thuốc Long Châu chúc mẹ và bé luôn khỏe mạnh.

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Tổng hợp



Theo Nhà Thuốc Long Châu

Lưu ý: thông tin trong bài viết chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị bệnh. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Bài viết liên quan
- Advertisment -spot_img

Bài viết mới

Recent Comments