Rượu tỏi từ lâu đã được xem là một bài thuốc quý của dân gian với nhiều lợi ích với sức khỏe con người. Vì vậy, nhiều người hiện nay thường chỉ quan tâm đến những tác dụng rượu tỏi mang lại mà đa phần lại không tìm hiểu những ai không nên uống rượu tỏi.
Lợi ích của việc uống rượu tỏi
Không chỉ là nguyên liệu quen thuộc trong căn bếp của mọi gia đình, tỏi ngâm rượu cũng được biết đến là một phương thuốc hữu hiệu. Một số lợi ích nổi bật của rượu tỏi có thể kể đến như:
Chữa các bệnh về xương khớp
Trong tỏi có các chất chống oxy hóa. Đây là chất có công dụng giúp giảm đau và giảm các phản ứng viêm trong cơ thể. Chính vì thế, việc sử dụng rượu tỏi được xem như biện pháp hỗ trợ cải thiện các bệnh về xương khớp như: Vôi hóa khớp, viêm khớp dạng thấp, nhức mỏi xương khớp,…
Trị các bệnh về đường hô hấp
Rượu tỏi có tính sát trùng cao nên thường được sử dụng để làm sạch cổ họng. Do đó, nhiều người chọn uống rượu tỏi để chữa những bệnh như: Viêm họng, viêm phế quản, hen phế quản,… Cách dùng phổ biến nhất thường là súc miệng bằng rượu tỏi hoặc uống từng ngụm nhỏ.
/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/su_dung_ruou_toi_sai_doi_tuong_va_tac_hai_khong_ngo1_5c2452b7f8.jpg)
Cải thiện các bệnh về tim mạch, đái tháo đường
Các chuyên gia cũng chỉ ra rằng, uống rượu tỏi, đặc biệt là rượu tỏi đen có thể giúp làm giảm cholesterol và hỗ trợ hạ thấp lượng mỡ trong máu. Sử dụng rượu tỏi là phương pháp phù hợp với những người mắc các bệnh như: Huyết áp cao, xơ vữa động mạch,… Nguyên nhân là do bài thuốc này có thể ổn định huyết áp và giúp hệ tim mạch của bạn trở nên khỏe mạnh hơn.
Cách tự làm rượu tỏi tại nhà cực đơn giản
Với những nguyên liệu phổ biến, dễ tìm thì không khó để bạn có thể tự làm rượu tỏi tại nhà. Cách làm cụ thể mà bạn có thể tham khảo là:
Nguyên liệu
Để món rượu tỏi được thơm ngon, dễ uống, bạn cần chuẩn bị những nguyên liệu sau:
- Nguyên liệu đầu tiên và quan trọng nhất là tỏi. Bạn nên chọn những củ tỏi già, để khô sau đó bóc vỏ sạch sẽ.
- Rượu cũng là phần không thể thiếu để tạo nên thành công khi bạn tự làm rượu tỏi tại nhà. Bạn không nên chọn những loại rượu có nồng độ quá nặng hoặc quá nhẹ. Tốt nhất, bạn hãy sử dụng rượu có nồng độ khoảng 40 độ đến 45 độ, đặc biệt là rượu nếp để có hương vị thơm ngon đặc trưng.
- Tùy theo lượng rượu và tỏi ngâm mà bạn nên chuẩn bị số lượng bình phù hợp để bảo quản. Bình ngâm rượu tỏi nên là bình thủy tinh dày dặn, chắc chắn, có nắp kín. Không nên dùng bình nhựa vì khi ngâm rượu tỏi trong thời gian dài thì các chất trong nhựa có thể ảnh hưởng đến rượu.
/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/su_dung_ruou_toi_sai_doi_tuong_va_tac_hai_khong_ngo2_4c8ad7cff4.jpg)
Cách làm rượu tỏi từ tỏi trắng
Để làm rượu tỏi trắng, bạn cần thực hiện theo các bước sau đây:
- Bước 1: Tỏi đã bóc vỏ thái nhỏ hoặc cắt nhỏ.
- Bước 2: Cho tỏi vào trong bình, đổ rượu vào ngập mặt tỏi. Trong quá trình ngâm bạn chú ý thỉnh thoảng nên lắc bình để rượu được đều màu, đều vị, tránh để tỏi nổi trên bề mặt tiếp xúc và với không khí.
- Bước 3: Bạn ngâm trong vòng khoảng 10 ngày, rượu sẽ dần chuyển màu từ trắng sang vàng và đậm màu dần. Đây là lúc bạn có thể sử dụng rượu tỏi.
Cách làm rượu tỏi từ tỏi đen
Cách làm rượu tỏi từ tỏi đen cũng tương tự như những loại tỏi khác. Tuy nhiên, tỏi đen là loại tỏi đã được lên men trong một thời gian nên khi ngâm rượu nên nạn cần lưu ý rút ngắn thời gian ngâm rượu. Thông thường khi ngâm tỏi đen, bạn chỉ cần đợi từ 4 – 7 ngày là rượu đã ngấm và bạn hoàn toàn có thể sử dụng.
Những ai không nên uống rượu tỏi?
Rượu tỏi có nhiều công dụng như vậy, nhưng do những đặc tính tự nhiên của tỏi nên không phải ai cũng thích hợp sử dụng. Dưới đây là một số đối tượng các chuyên gia không khuyến khích sử dụng rượu tỏi:
- Trẻ em, đặc biệt là trẻ nhỏ dưới 3 tuổi.
- Phụ nữ đang mang thai.
- Người cao tuổi tình trạng sức khỏe suy nhược.
- Bệnh nhân sắp tiến hành phẫu thuật.
- Người mắc các bệnh nặng về gan, thận, viêm loét dạ dày tá tràng, xuất huyết tiêu hóa.
- Những người mắt yếu, đang gặp tình trạng sưng mắt, đau mắt đỏ.
- Những người đang uống các loại thuốc chống đông máu cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng rượu tỏi.
- Với những người bị cao huyết áp, cần chú ý liều lượng dùng phù hợp trong quá trình sử dụng, đặc biệt là khi sử dụng trong thời gian dài.
/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/su_dung_ruou_toi_sai_doi_tuong_va_tac_hai_khong_ngo3_8c686841bc.jpg)
Bài viết trên đã cung cấp cho bạn một số thông tin về việc những ai không nên uống rượu tỏi. Hy vọng bài viết sẽ hữu ích đến bạn trong việc chăm sóc sức khỏe hàng ngày của bản thân và của cả gia đình.
Thu Trang
Nguồn tham khảo: Hellobacsi.com
Lưu ý: thông tin trong bài viết chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị bệnh. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.