Nhiều người thường nghĩ hôi miệng chỉ gặp ở người lớn mà quên rằng trẻ em cũng là đối tượng dễ bị hôi miệng do nhiều nguyên nhân khác nhau. Hơi thở có mùi khiến trẻ ngại giao tiếp và có thể ảnh hưởng trực tiếp đến những người xung quanh.
Không chỉ vậy, hôi miệng ở trẻ em còn là dấu hiệu cảnh báo một số bệnh răng miệng hoặc cũng có thể là bệnh lý ở các cơ quan khác trong cơ thể. Ba mẹ cần tìm ra nguyên nhân khiến trẻ bị hôi miệng các biện pháp giúp trẻ thoát khỏi hơi thở có mùi hiệu quả.
Hôi miệng ở trẻ em do những nguyên nhân nào?
Hôi miệng có thể gặp ở bất cứ lứa tuổi nào, ngay cả ở độ tuổi sơ sinh khi trẻ chưa ăn dặm. Nguyên nhân chủ yếu gây ra tình trạng hôi miệng là do ba mẹ lơ là việc chăm sóc răng miệng cho bé. Tuy nhiên, đây không phải là nguyên nhân duy nhất khiến hơi thở trẻ có mùi.
Chăm sóc và vệ sinh răng miệng không kĩ
Hầu hết phụ huynh đều cho rằng trẻ em không cần đánh răng hàng ngày như người lớn. Đây là một quan niệm sai lầm dẫn đến nhiều bệnh lý răng miệng ở trẻ. Theo các chuyên gia, ngay từ khi trẻ sinh ra, ba mẹ cần vệ sinh khoang miệng thường xuyên dù trẻ chưa mọc răng sữa và chưa ăn dặm. Điều này sẽ giúp loại bỏ “thủ phạm” gây hôi miệng như cặn sữa, cặn thức ăn.
Đối với trẻ đã mọc răng, nếu không đánh răng thường xuyên hoặc đánh răng sai cách có thể khiến thức ăn còn mắc lại ở kẽ răng. Không chỉ tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển gây sâu răng mà còn khiến hơi thở của trẻ có mùi hôi khó chịu.
Trẻ bị khô miệng
Nước bọt có khả năng giữ ẩm, giữ sạch cho khoang miệng. Nhưng khi miệng trẻ khô do thở bằng miệng khi ngủ hoặc thường xuyên sử dụng ti giả sẽ khiến vi sinh vật sẽ phát triển nhanh hơn và gây ra hôi miệng.
Trẻ mắc bệnh lý nha khoa
Sâu răng, áp xe răng, viêm nướu là những bệnh lý có thể gây ra tình trạng hôi miệng ở trẻ. Nguyên nhân là do các mảng bám trên răng và các vết thủng sâu răng không thể được làm sạch bằng cách đánh răng.

Trẻ bị mắc dị vật trong mũi
Một số dị vật mắc kẹt trong mũi bị “bỏ quên” trong thời gian dài sẽ gây ra nhiễm trùng và đó chính là nguồn phát ra mùi hôi miệng ở trẻ em. Dị vật này có thể là một hạt đậu, hạt lạc, đồ chơi… do trẻ tò mò nhét vào mũi mà ba mẹ không hay biết.
Trẻ mắc bệnh lý hô hấp và tiêu hóa
Bên cạnh các nguyên nhân do bệnh lý nha khoa, trẻ bị hôi miệng còn do các bệnh lý ở đường hô hấp và tiêu hóa khác.
- Viêm amidan mủ, viêm xoang, viêm VA: Đây là một số bệnh lý tai mũi họng điển hình có khả năng gây hôi miệng mà ba mẹ thường không để ý tới. Nguyên nhân là do các hốc amidan dễ bị tích tụ thức ăn, lâu dần sẽ hình thành bã đậu với mùi thối đặc trưng.
- Trào ngược dạ dày, viêm dạ dày: Dịch vị dạ dày cùng với thức ăn chưa được tiêu hóa hết sẽ bị trào ngược lên trên thực quản, vòm họng gây ra mùi hôi
- Ngoài các nguyên nhân kể trên, hôi miệng trong thời gian ngắn có thể bắt nguồn từ thực phẩm. Nếu trẻ ăn nhiều thực phẩm nặng mùi như tỏi, hành, rau mùi… thì hơi thở cũng có thể bị hôi.

Bí kíp cải thiện tình trạng hôi miệng ở trẻ
Khi thấy trẻ có dấu hiệu bị hôi miệng, ba mẹ cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được thăm khám tìm ra nguyên nhân, từ đó có hướng giải quyết phù hợp. Bên cạnh đó, ba mẹ có thể áp dụng một số biện pháp cải thiện hôi miệng ở trẻ em dưới đây.
- Việc đầu tiên, thường xuyên vệ sinh răng miệng đúng cách. Với trẻ sơ sinh, cần rơ lưỡi cho trẻ sau mỗi cữ bú để làm sạch khoang miệng và sử dụng ti giả đã được tiệt trùng sạch sẽ.
- Với trẻ đã mọc răng sữa và bắt đầu ăn dặm, làm sạch kẽ răng bằng chỉ nha khoa hoặc tăm nước, chải sạch mặt lưỡi sau mỗi bữa ăn. Hướng dẫn trẻ đánh răng bằng bàn chải 2 lần/mỗi ngày bằng nước muối hoặc kem đánh răng dành cho trẻ em. Tập cho trẻ thói quen súc miệng nước muối, cho trẻ uống đủ nước mỗi ngày để tránh tình trạng khô miệng.
- Ngoài ra, ba mẹ nên kiểm soát các loại thực phẩm, gia vị có mùi trong thực đơn ăn uống của trẻ như cà ri, tỏi, hành… Đồng thời, nên cho trẻ đi khám răng định kỳ 6 tháng một lần để có thể bảo vệ răng miệng của trẻ một cách tốt nhất.

Trên đây là một số cách giúp cải thiện hôi miệng ở trẻ em ba mẹ có thể áp dụng tại nhà. Tuy nhiên, để giải quyết triệt để vấn đề này, ba mẹ cần xác định chính xác nguyên nhân gây hôi miệng là gì. Từ đó sẽ có phương án khắc phục hiệu quả giúp tiết kiệm thời gian và chi phí.
Lưu ý: thông tin trong bài viết chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị bệnh. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.