Thứ hai, Tháng mười hai 23, 2024
spot_img
HomeMẹ BầuTình trạng băng huyết sau sinh muộn: Nguyên nhân và cách điều...

Tình trạng băng huyết sau sinh muộn: Nguyên nhân và cách điều trị


Băng huyết sau sinh muộn được đánh giá là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho sản phụ trên toàn thế giới. Vậy băng huyết sau sinh muộn là gì? Cùng Nhà Thuốc khám phá câu trả lời trong bài viết dưới đây nhé.

Băng huyết sau sinh muộn là gì?

Tất cả các sản phụ sau sinh đều gặp phải tình trạng chảy máu âm đạo. Ban đầu dịch xuất tiết thường có màu đỏ tươi, sau đó dần dần sáng màu hơn với số lượng giảm dần trong vài ngày đầu sau sinh.

Tuy nhiên, trên thực tế, một số sản phụ bị chảy máu nhiều sau sinh, cần được theo dõi và điều trị tại cơ sở y tế. Tình trạng chảy máu quá mức này được gọi là băng huyết sau sinh. Băng huyết sau sinh xảy ra khi lượng máu sản phụ mất đi quá 500ml sau sinh thường hoặc quá 1000ml sau sinh mổ trong 24 giờ đầu tiên.

Băng huyết sau sinh được chia thành 2 loại bao gồm:

  • Băng huyết sớm sau sinh (băng huyết nguyên phát): Tình trạng chảy máu nhiều xảy ra trong 24 giờ đầu sau sinh.
  • Băng huyết muộn sau sinh (băng huyết thứ phát): Chảy máu xảy ra từ 24 giờ đến 12 tuần sau sinh, thậm chí là hơn. Trung bình băng huyết muộn thường xảy ra từ 1 đến 2 tuần sau sinh. Theo thống kê, chỉ có khoảng 1% phụ nữ gặp phải tình trạng này.

Dấu hiệu của băng huyết muộn sau sinh rất dễ nhận biết cũng như phân biệt với các tình trạng khác mà sau sinh sản phụ có thể gặp phải, cụ thể:

  • Xuất hiện tình trạng chảy máu đỏ tươi kéo dài hơn một vài ngày sau sinh, thậm chí là cả tháng và rất khó kiểm soát.
  • Choáng váng, mệt mỏi do mất quá nhiều máu. Ngoài ra, sản phụ còn có thể bị ra mồ hôi lạnh và lú lẫn.
  • Tim đập nhanh, huyết áp tụt, thở nhanh hoặc nông, bồn chồn…

Nếu xuất hiện những dấu hiệu kể trên hoặc bất kỳ một dấu hiệu bất thường nào khác, cần thông báo với nhân viên y tế để có hướng xử trí kịp thời.

Băng huyết sau sinh muộn là gì?

Nguyên nhân gây băng huyết sau sinh muộn

Băng huyết muộn sau sinh có thể xảy ra nếu tử cung của sản phụ không co bóp bình thường sau sinh. Đôi khi, tình trạng xuất huyết muộn xảy ra khi các mảng nhau thai hoặc túi ối vẫn còn sót trong tử cung của sản phụ sau sinh. Ngoài ra, tình trạng nhiễm trùng cũng có thể được xem là nguyên nhân gây ra băng huyết muộn sau sinh.

Xem thêm  Cha mẹ nên làm gì khi trẻ bị rối loạn cương dương?

Thêm vào đó, sản phụ có rối loạn đông máu toàn thân cũng có nguy cơ băng huyết sau sinh cao hơn bình thường. Đây có thể là một bệnh lý di truyền hoặc phát triển trong thai kỳ do sản phụ mắc tiền sản giật nặng, nhau bong non hoặc hội chứng HELLP. Bên cạnh đó, băng huyết cũng có thể xuất phát từ các vấn đề về đông máu dẫn đến tình trạng chảy máu sau sinh. Trong một số trường hợp, không tìm ra được nguyên nhân gây băng huyết sau sinh muộn.

Các chuyên gia y khoa cũng chỉ ra một số yếu tố làm tăng nguy cơ băng huyết sau sinh, cụ thể:

  • Tiền sử bị băng huyết sau sinh ở những lần sinh trước.
  • Các nghiên cứu chỉ ra rằng: Phụ nữ Tây Ban Nha và châu Á có nguy cơ mắc băng huyết sau sinh cao hơn những phụ nữ ở các chủng tộc khác.
  • Tử cung: Đây là nguyên nhân phổ biến nhất của băng huyết sau sinh. Tình trạng băng huyết xảy ra khi các cơ trong tử cung của sản phụ co hồi sau khi sinh. Việc tử cung co bóp sau sinh giúp cầm máu tại vị trí mà nhau thai bị tách ra khỏi tử cung. Trường hợp tử cung bị kéo giãn hoặc phì đại sau sinh có thể khiến sản phụ bị đờ tử cung. 
  • Ngoài ra, băng huyết sau sinh cũng có thể xảy ra khi sản phụ đã sinh nhiều con, đã trải qua cuộc chuyển dạ trong thời gian dài hoặc sản phụ có khối lượng nước ối nhiều.
  • Bất thường về nhau thai như nhau bong non, nhau thai cài lược hoặc nhau tiền đạo.
  • Sót nhau thai: Việc sót nhau thai trong tử cung ngay lập tức có thể gây chảy máu.
  • Sử dụng thuốc gây mê, một số loại thuốc để gây chuyển dạ và các thuốc ngăn các cơn co thắt tử cung trong trường hợp có nguy cơ sinh non.
  • Chuyển dạ kéo dài hoặc chuyển dạ quá nhanh.
  • Sản phụ mắc các bệnh lý về máu như đông máu nội mạch lan tỏa hay bệnh Von Willebrand. Sau khi sinh, một số sản phụ bị tụ máu ở vùng âm đạo hoặc âm hộ. Bệnh Von Willebrand là một rối loạn chảy máu khiến máu khó cầm còn bệnh đông máu nội mạch lan tỏa lại khiến cục máu đông hình thành trong các mạch máu nhỏ và có thể dẫn đến tình trạng chảy máu nghiêm trọng.
  • Nhiễm trùng nhau thai và nước ối.
  • Sản phụ mắc bệnh lý ứ mật trong thai kỳ.
  • Sản phụ thừa cân béo phì.
  • Sản phụ mắc tiền sản giật hoặc tăng huyết áp thai kỳ.
Xem thêm  Dấu hiệu ung thư buồng trứng mà bạn nên biết
Tình trạng băng huyết sau sinh muộn: Nguyên nhân và cách điều trị 2
Tăng huyết áp thai kỳ là một trong những yếu tố nguy cơ gây băng huyết sau sinh muộn

Cách điều trị tình trạng băng huyết sau sinh muộn

Khi phát hiện các dấu hiệu bất thường liên quan đến băng huyết sau sinh, bạn cần đến viện để được thăm khám và có hướng xử trí kịp thời. Tại đây, bạn sẽ phải nhập viện điều trị cho đến khi tình trạng băng huyết được kiểm soát và các dấu hiệu sinh tồn trở về mức ổn định.

Đầu tiên, bác sĩ có thể tiến hành kiểm tra thể chất và bắt đầu truyền tĩnh mạch để cung cấp cho bạn chất lỏng và thuốc nhằm giúp tử cung co hồi nhanh hơn. Bên cạnh đó, bác sĩ có thể chỉ định cho bạn dùng kháng sinh trong trường hợp nghi ngờ có nhiễm trùng – nguyên nhân gây băng huyết sau sinh muộn.

Bạn cũng cần thực hiện siêu âm để kiểm tra xem có bất kỳ mảnh mô nhau thai nào còn sót lại trong tử cung không. Trường hợp mảnh mô nhau thai còn sót lại, bác sĩ sẽ tiến hành một số kỹ thuật sản khoa như nong và nạo buồng tử cung để loại bỏ sạch các mô còn sót.

Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể đặt một quả bóng nhỏ vào tử cung của bạn nhằm tạo áp lực lên thành tử cung đồng thời chèn ép các mạch máu, từ đó giúp cho quá trình đông máu. Quả bóng này thường được đặt qua đêm cùng với một ống thông để giữ cho bàng quang thoát nước tiểu ra ngoài. Trong một số trường hợp chảy máu không ngừng hoặc các dấu hiệu sinh tồn không ổn định, bạn có thể phải truyền máu.

Sau khi kiểm soát được tình trạng chảy máu sau sinh, bác sĩ sẽ tiếp tục chỉ định truyền dịch đường tĩnh mạch và thuốc để thúc đẩy quá trình co hồi tử cung.

Xem thêm  Sau nâng mũi kiêng quan hệ bao lâu để không làm ảnh hưởng đến kết quả?

Trong suốt quá trình điều trị, nhân viên y thế sẽ theo dõi sát quá trình hồi phục của bạn để đảm bảo kiểm soát tốt hiện tượng chảy máu sau sinh cũng như theo dõi các dấu hiệu nhiễm trùng (nếu có). Ngoài ra bạn vẫn có thể phải sử dụng thuốc kháng sinh.

Tình trạng băng huyết sau sinh muộn: Nguyên nhân và cách điều trị 3
Sản phụ có thể sử dụng thuốc kháng sinh nếu bác sĩ nghi ngờ có nhiễm trùng

Dự phòng băng huyết sau sinh

Dự phòng băng huyết sau sinh giúp giảm tần suất và tỷ lệ tử vong cho sản phụ sau sinh do băng huyết. Nguyên tắc chung trong dự phòng băng huyết sau sinh đó là theo dõi thai kỳ và phát hiện sớm những bất thường cũng như các yếu tố nguy cơ để có hướng xử trí kịp thời. Một số biện pháp dự phòng băng huyết sau sinh bao gồm:

  • Thực hiện khám thai định kỳ đầy đủ theo chỉ định của bác sĩ. Các mốc khám thai định kỳ quan trọng đó là 3 tháng đầu thai kỳ, 3 tháng giữa thai kỳ và 3 tháng cuối thai kỳ.
  • Thực hiện các kiểm tra, xét nghiệm, siêu âm cần thiết để tầm soát dị tật thai nhi và những bất thường nếu có.
  • Bổ sung sắt và acid folic theo chỉ dẫn của bác sĩ nhằm phòng ngừa thiếu máu thai kỳ.
  • Duy trì chế độ ăn uống, nghỉ ngơi và sinh hoạt khoa học.
  • Khi xuất hiện bất kỳ dấu hiệu bất thường nào như đau bụng, ra huyết âm đạo, thai máy yếu… cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và có hướng xử trí kịp thời (nếu cần).
Tình trạng băng huyết sau sinh muộn: Nguyên nhân và cách điều trị 4
Quản lý tốt thai kỳ là biện pháp tốt nhất dự phòng các tai biến sản khoa

Trên đây là toàn bộ thông tin xoay quanh chủ đề băng huyết sau sinh muộn mà Nhà Thuốc Long Châu đã tổng hợp để chia sẻ đến đọc giả. Hy vọng, qua bài viết này, bạn đọc có thể hiểu rõ hơn về tình trạng băng huyết sau sinh muộn đồng thời nắm được một số biện pháp dự phòng băng huyết sau sinh. Chúc các mẹ có một thai kỳ khỏe mạnh và vượt cạn thành công.

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: vinmec.com



Theo Nhà Thuốc Long Châu

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, tuyệt đối không làm theo hướng dẫn của bài viết.

Bài viết liên quan
- Advertisment -spot_img

Bài viết mới

Recent Comments