Bất kỳ ai cũng có thể mắc phải bệnh sởi nhưng phổ biến nhất vẫn là trẻ nhỏ. Bệnh gây ra nhiều triệu chứng nghiêm trọng và ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của người bệnh, thậm chí để lại những di chứng về sau. Vậy bệnh sởi có gây vô sinh không? Trong bài viết dưới đây Nhà thuốc Long Châu sẽ cung cấp những kiến thức cần thiết về căn bệnh này và giải đáp thắc mắc trên cho bạn đọc.
Bệnh sởi và nguyên nhân gây ra bệnh sởi
Sởi là một bệnh lý lây nhiễm cấp tính qua đường hô hấp và có thể tạo thành dịch nếu không được kiểm soát chặt chẽ. Bệnh sởi được gây ra do virus sởi thuộc nhóm Morbillivirus của họ Paramyxoviridae. Bệnh lý này thường gây ra nhiều triệu chứng và biến chứng nguy hiểm cho trẻ nhỏ. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, đặc biệt là những bé chưa được tiêm đầy đủ các mũi vacxin sởi là các đối tượng dễ bị lây bệnh nhất.
Virus sởi gây bệnh trên đường hô hấp trên của con người, do đó bệnh rất dễ lây truyền sang cho người lành bệnh. Các con đường lây nhiễm bệnh sởi bao gồm:
- Khi người bệnh nhiễm virus sởi ho, hắt hơi hoặc nói chuyện với người khác thì virus sởi sẽ bắn ra ngoài không khí qua giọt nước rất nhỏ. Lúc này, người lành bệnh tiếp xúc với người bị bệnh sởi có thể nhiễm phải virus sởi và mắc bệnh.
- Người mắc bệnh sởi làm bắn nước bọt ra ngoài và dính lên các đồ vật xung quanh. Khi người lành bệnh tiếp xúc với những đồ vật này rồi đưa tay chạm lên vùng mũi – miệng thì có nguy cơ nhiễm bệnh là rất cao.
Sau khi virus sởi xâm nhập vào cơ thể con người, chúng sẽ nhân lên tại các tế bào biểu mô của đường hô hấp và các tế bào bạch huyết lân cận, sau đó virus sởi sẽ di chuyển vào máu (nhiễm virus máu). Theo thống kê của Viện truyền nhiễm trung ương, tỷ lệ nhiễm bệnh sởi ở những người chưa có kháng thể lên đến 90%.
Triệu chứng của bệnh sởi là gì?
Bệnh sởi sẽ tiến triển qua 4 giai đoạn và ở mỗi giai đoạn thì triệu chứng bệnh cũng khác nhau, cụ thể như sau:
- Giai đoạn ủ bệnh: Sau khi nhiễm phải virus sởi, các triệu chứng của bệnh sẽ không bộc phát ra ngay mà phải trải qua giai đoạn ủ bệnh kéo dài trong khoảng 8 – 10 ngày.
- Giai đoạn khởi phát (viêm long): Giai đoạn này thường kéo dài khoảng 3 – 4 ngày với các triệu chứng điển hình như sốt nhẹ, sốt vừa đến sốt cao, viêm kết mạc mắt, sưng nề mắt, đỏ mắt, xuất hiện gỉ mắt, viêm mũi xuất tiết, viêm họng, chảy nhiều nước mũi và nước mắt, ho, sưng hạch ngoại biên…
- Giai đoạn toàn phát (phát ban): Giai đoạn này thường kéo dài từ 4 – 6 ngày. Lúc này, các ban sởi đang lan ra phía sau tai, lan rộng ra khắp mặt, xuống cổ, ngực, lưng, tay và lan ra khắp cơ thể. Các vết ban có màu đỏ, kích thước nhỏ, hơi nổi lên trên bề mặt da, mọc thành từng đốm, nằm rải rác hoặc lan rộng ra và dính liền với nhau tạo thành từng đám có đường kính từ 3 – 6 mm.
- Giai đoạn lui bệnh (ban bay): Khi bệnh đã đến giai đoạn này, người bệnh thường đã hết sốt, các vết ban bay dần đi theo thứ tự đã mọc và có thể để lại các vết thâm trên vùng da phát ban. Đôi khi, triệu chứng sốt vẫn còn khi các vết phát ban đã bay đi hết, khi đó bệnh có thể đã chuyển biến thành các bệnh nguy hiểm hơn. Bên cạnh đó, người bệnh có thể bị lột da vào giai đoạn này.
Ngoài ra, người bệnh có thể gặp phải một số biến chứng khác như:
- Khó thở;
- Mắt bị đau khi ánh sáng chiếu vào;
- Đau đầu dữ dội và liên tục;
- Thời gian ngủ nhiều hơn, hôn mê;
- Viêm phổi, viêm phế quản;
- Viêm não, loét giác mạc…
Nếu có các biểu hiện bất thường như đã kể trên, cần đưa người bệnh đến cơ sở gần nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời. Vậy bệnh sởi có gây vô sinh không?
Bệnh sởi có gây vô sinh không?
Bệnh sởi có gây vô sinh không và câu trả lời là không thể xảy ra. Virus sởi không gây ảnh hưởng hay liên quan đến sức khỏe sinh sản của cả đàn ông lẫn phụ nữ. Tuy nhiên, có một vài trường hợp người phụ nữ sau khi mắc bệnh sởi thì bị mất kinh nguyệt trong mấy tháng liền, song nguyên nhân gây ra tình trạng này không phải là do bệnh sởi.
Chu kỳ kinh nguyệt là một trong những yếu tố để đánh giá tình trạng sức khỏe sinh sản ở nữ giới. Thông thường, giữa các chu kỳ kinh nguyệt có thể chênh lệch nhau từ 5 – 7 ngày. Tuy nhiên, nếu kinh nguyệt không đều, tháng có tháng không hoặc đã mất kinh mấy tháng liền thì có thể quá trình rụng trứng gặp phải vấn đề nào đó và gây ảnh hưởng xấu đến khả năng thụ thai. Lúc này, người phụ nữ nên đến các cơ sở y tế để khám và tìm ra nguyên nhân cũng như phương pháp điều trị phù hợp.
Bên cạnh đó, nếu người phụ nữ đang mang thai mà mắc bệnh sởi thì rất đáng quan ngại. Bởi bệnh lý này có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng cho thai phụ như tăng nguy cơ sảy thai, sảy thai, sinh non, ảnh hưởng không tốt đến thai nhi. Do đó, nếu bạn nhiễm phải virus sởi khi mang thai thì cần phải theo dõi sức khỏe cũng như diễn biến bệnh thật chặt chẽ. Và nếu có các dấu hiệu bất thường như đã kể trên thì hãy đến ngay cơ sở y tế nhằm ngăn ngừa những biến chứng có thể xảy ra.
Phương pháp điều trị và phòng ngừa bệnh sởi
Hiện nay, chưa tìm ra phương pháp điều trị bệnh sởi một cách triệt để mà chỉ có thể điều trị các triệu chứng bệnh xảy ra như hạ sốt, sử dụng kháng sinh để chống bội nhiễm. Bên cạnh đó, người bệnh cũng cần phải bổ sung vitamin và các vi chất nhằm tăng sức đề kháng bằng cách uống nhiều nước, ăn nhiều trái cây, nên ăn các loại thức ăn mềm, dễ tiêu hóa và mặc quần áo thoáng mát…
Đối với phụ nữ đang mang thai hoặc đang cho con bú, nếu bị bệnh sởi thì cần phải cách ly để tránh lây truyền cho con và những người khác trong gia đình. Đặc biệt, mẹ cũng cần phải cân nhắc khi sử dụng các loại thuốc hạ sốt và kháng sinh trong điều trị bệnh để tránh ảnh hưởng đến thai nhi. Đồng thời cũng phải bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng cho cả mẹ và bé nhằm tăng sức đề kháng và nâng cao sức khỏe.
Ngoài ra, phòng bệnh luôn là phương pháp tối ưu nhất để bảo vệ sức khỏe trước căn bệnh truyền nhiễm bằng cách:
- Tiêm đầy đủ vacxin phòng bệnh sởi.
- Cần cách ly những đối tượng bị nhiễm virus để tránh lây lan ra cộng đồng.
Tóm lại, bệnh sởi là một bệnh lý truyền nhiễm do virus sởi gây ra trên đường hô hấp. Bệnh dẫn đến nhiều triệu chứng và biến chứng nghiêm trọng nếu không được điều trị kịp thời. Qua bài viết trên, Nhà thuốc Long Châu đã giúp bạn đọc trả lời được câu hỏi bệnh sởi có gây vô sinh không, đồng thời cung cấp những thông tin về nguyên nhân gây bệnh, triệu chứng và các phương pháp phòng tránh bệnh sởi để bạn đọc hạn chế mắc phải.
Ánh Vũ
Nguồn tham khảo: hellobacsi.com
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, tuyệt đối không làm theo hướng dẫn của bài viết.