Khóc là cách thể hiện cảm xúc, nhất là khi bạn cảm thấy đau buồn, xúc động hoặc đối diện với những chuyện tiêu cực trong cuộc sống. Khi khóc sẽ làm mắt đỏ hoe và thường sưng húp lên. Để có thể che giấu việc mình đã khóc với những người xung quanh, hãy cùng tìm hiểu cách giảm sưng mắt sau khi khóc.
Tại sao mắt sưng sau khi khóc?
Khi bạn khóc, đôi mắt bị sưng là một phản ứng tự nhiên của cơ thể. Dưới đây là một số nguyên nhân chính giải thích tại sao mắt bị sưng khi khóc:
- Sự giãn nở của các mạch máu: Khi bạn khóc, cơ thể phản ứng bằng cách tăng lượng máu đến khu vực xung quanh mắt. Điều này là do cơ thể cố gắng bảo vệ và tái tạo các mô, tế bào trong vùng mắt bị kích thích.
- Mất nước: Khóc dẫn đến mất nước từ cơ thể thông qua nước mắt. Do nước mắt bốc hơi hoặc chất lỏng thấm trực tiếp xuống mũi vào mí mắt và vùng da quanh mắt. Nước mắt là môi trường có nồng độ các chất hòa tan thấp hơn so với môi trường nội bào. Vì vậy, để cân bằng nồng độ các chất từ hai phía, nước mắt sẽ phải di chuyển từ kết mạc vào nội mô xung quanh để cân bằng nồng độ chất đó. Mất nước có thể làm da quanh mắt khô và gây sưng.
- Dụi mắt khi khóc: Trong một số trường hợp, việc dụi mắt làm cho vi khuẩn hoặc virus có thể xâm nhập vào mắt, gây ra viêm kết mạc và sưng mắt sau khi khóc.
- Thiếu ngủ: Khi bạn khóc nhiều và không có đủ giấc ngủ, mắt có thể trở nên mệt mỏi và sưng do sự mệt mỏi.
Cách giảm sưng mắt sau khi khóc
Mắt bị sưng sau khi khóc làm cho bạn cảm thấy mắt bị đau rát và khó chịu. Đồng thời mắt bị sưng khiến cho mặt bạn bị sưng theo. Sau đây là một vài cách giảm sưng mắt sau khi khóc:
- Nghỉ ngơi và thư giãn: Nếu có thể, bạn nên tìm một nơi yên tĩnh và thoải mái để nghỉ ngơi và thư giãn. Nếu mắt cảm thấy mệt mỏi, đặt một miếng khăn ẩm và ấm lên vùng mắt trong vài phút.
- Dùng nước mắt nhân tạo: Đây được xem là biện pháp giúp cung cấp độ ẩm cho mắt và làm co các mạch máu.
- Chườm lạnh: Sử dụng túi chườm hoặc đặt một cái muỗng đã làm lạnh áp lên vùng mắt sưng trong khoảng 10 – 15 phút. Lạnh giúp co mạch máu và giảm sưng nhanh chóng.

- Mát-xa mắt: Sử dụng đầu ngón tay để mát-xa nhẹ nhàng vùng mắt từ trong ra ngoài. Điều này giúp kích thích tuần hoàn máu và giảm sưng.
- Sử dụng sản phẩm chăm sóc mắt: Sản phẩm chăm sóc mắt như kem dưỡng mắt hoặc gel dưỡng mắt có thể giúp làm dịu và làm giảm sưng mắt. Lưu ý nên chọn sản phẩm chứa thành phần chống viêm và làm dịu da.
- Uống nước đầy đủ: Đảm bảo bạn uống đủ nước để duy trì độ ẩm cơ thể. Điều này giúp giảm khô da và sưng mắt do mất nước.
- Dưa leo hoặc túi trà nóng: Có thể dùng dưa leo cắt lát mỏng hoặc túi trà nóng để chườm vào hai bên mắt. Nhờ đó giúp mắt được thư giãn và giảm sưng.
Các lưu ý khi mắt bị sưng
Khi mắt bị sưng sau khi khóc, cần lưu ý một số điều sau đây để tránh làm tổn thương mắt:
- Tránh chà xát mắt: Tránh chà xát hoặc gãi mắt sau khi khóc, vì điều này có thể khiến mắt sưng hơn cũng như là gây tổn thương da.
- Tránh để mắt làm việc quá nhiều: Khi mắt bị sưng, cần cho mắt được nghỉ ngơi. Không để mắt tập trung quá lâu hoặc tiếp xúc với ánh sáng mặt trời hoặc ánh sáng xanh.
- Không nên thức khuya: Nên ngủ sớm để mắt được nghỉ ngơi và mau chóng phục hồi.
- Tham khảo ý kiến bác sĩ: Khi mắt có dấu hiệu sưng không giảm, tầm nhìn hạn chế thì nên đến bác sĩ để được thăm khám và chữa trị.

Như vậy thông qua bài viết trên, Long Châu hy vọng sẽ giúp ích cho bạn trong việc tìm cách giảm sưng mắt sau khi khóc. Có rất nhiều cách để giảm sưng mắt tại nhà bạn có thể tham khảo trong bài viết. Nếu sưng mắt diễn ra quá lâu thì bạn nên đi khám để kịp thời chữa trị tránh gây hại cho mắt.
- Xem thêm: Cách làm mắt hết đỏ sau khi khóc, làm sao để mau hết sưng mắt?
Lưu ý: thông tin trong bài viết chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị bệnh. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.