Kinh nguyệt kéo dài là biểu hiện của rối loạn kinh nguyệt thường gặp ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này thường đa dạng và có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe nếu không được điều trị sớm. Vậy nguyên nhân gây ra tình trạng này là gì? Cách khắc phục ra sao? Cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu qua bài chia sẻ sau đây.
Nguyên nhân gây ra tình trạng kinh nguyệt kéo dài
Hiện tượng kinh nguyệt kéo dài có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó có thể bao gồm có các vấn đề liên quan đến nội tiết tố và tử cung hoặc cũng có thể là dấu hiệu của u nang buồng trứng. Một số nguyên nhân phổ biến có thể kể đến như:
Sự thay đổi về nội tiết tố và quá trình rụng trứng
Sự thay đổi về nội tiết tố hoặc quá trình rụng trứng có thể là nguyên nhân gây ra tình trạng kinh nguyệt kéo dài. Những biểu hiện này thường xuất hiện ở giai đoạn bắt đầu các chu kỳ kinh đầu tiên của tuổi dậy thì hoặc ở thời kỳ tiền mãn kinh. Ngoài ra, hội chứng đa nang buồng trứng hoặc rối loạn tuyến giáp cũng có thể khiến chu kỳ kinh bị kéo dài hơn bình thường.
Khi có sự thay đổi trong nội tiết tố hoặc không rụng trứng đúng chu kỳ, niêm mạc tử cung có thể trở nên dày hơn. Lớp niêm mạc này khi rụng đi cũng sẽ làm cho chu kỳ hành kinh lâu hơn.
Thừa cân béo phì
Thừa cân béo phì có thể làm kéo dài chu kỳ hành kinh. Bởi các mô mỡ có thể kích thích cơ thể sản sinh lượng estrogen nhiều hơn, ảnh hưởng đến sự thay đổi trong chu kỳ kinh của bạn. Để giảm nguy cơ này và duy trì sức khỏe ổn định, bạn nên duy trì thói quen tập luyện thể thao thường xuyên kết hợp với chế độ ăn uống hợp lý.
Sảy thai
Không hiếm trường hợp các chị em bị sảy thai ngay cả khi chưa nhận ra mình mang thai. Một dấu hiệu điển hình của sảy thai là kinh nguyệt kéo dài và lượng máu chảy nhiều. Khoảng 1 – 2 chu kỳ sau khi sảy thai, ngày “rụng dâu” sẽ bắt đầu ổn định trở lại như bình thường. Do đó, nếu thấy kinh nguyệt kéo dài quá 10 ngày trong hơn 3 chu kỳ liên tiếp, các chị em cần đến bệnh viện để được thăm khám và tìm hiểu rõ nguyên nhân.
Theo thống kê, cứ mỗi 100 ca sảy thai thì sẽ có 1 trường hợp bị sảy thai liên tiếp nhiều lần. Do vậy, các chị em nên thực hiện các xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán các vấn đề rối loạn trong cơ thể ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản.
Bệnh tuyến giáp
Trung bình, cứ khoảng 8 chị em phụ nữ sẽ có 1 trường hợp bị bệnh suy giáp và có thể xảy ra ở bất kỳ thời điểm nào trong suốt cuộc đời. Tuyến giáp nằm ở cổ và có chức năng kiểm soát các hormone quan trọng trong cơ thể. Những hormone này có khả năng điều khiển nhiều bộ phận như:
- Tốc độ đốt cháy calo của cơ thể: Một trong những biểu hiện phổ biến của bệnh suy giáp là tăng cân.
- Tốc độ nhịp tim: Bệnh tuyến giáp có thể gây ra các triệu chứng như mệt mỏi, rụng tóc, hạ thân nhiệt, tính cách thay đổi, da khô, sưng phù quanh mắt,…
- Điều hòa kinh nguyệt: Nồng độ hormone bị suy giảm có thể làm cho chu kì kinh kéo dài và chảy máu bất thường.
Tổn thương ở tử cung
Một số tổn thương ở tử cung có thể gây ra tình trạng xuất huyết âm đạo bất thường có thể kể đến như:
- U xơ tử cung: Bệnh lý này thường xảy ra ở phụ nữ trước 50 tuổi và thường không quá ảnh hưởng đến sức khỏe như ung thư. Mặc dù không có biểu hiện triệu chứng rõ ràng nhưng nếu kinh nguyệt kéo dài trên 10 ngày thì nguyên nhân có thể là do khối u xơ ở tử cung.
- Ung thư cổ tử cung: Triệu chứng thường gặp là kinh nguyệt kéo dài, chảy máu sau khi quan hệ tình dục, xuất hiện cục máu đông lớn hoặc xuất huyết bất thường giữa các chu kỳ kinh. Đồng thời, bạn còn cảm thấy chóng mặt và khó chịu khi mất nhiều máu.
- Lạc nội mạc tử cung: Tình trạng này xảy ra khi niêm mạc tử cung hoặc nội mạc tử cung tự chui vào các cơ của tử cung. Điều này có thể khiến kỳ kinh bị kéo dài và nặng nề hơn bình thường. Các triệu chứng đi kèm có thể bao gồm đau bụng dữ dội và cảm giác áp lực vùng bụng dưới.
Một số nguyên nhân khác
Một số nguyên nhân khác có thể làm cho chu kỳ kinh nguyệt bị kéo dài như:
- Mang thai: Ngoài dấu hiệu điển hình là trễ kinh, một số ít các trường hợp mang thai có thể làm cho kinh nguyệt không đều. Trong đó bao gồm có hiện tượng chảy máu kéo dài.
- Tác dụng phụ của thuốc tránh thai: Hầu hết các loại thuốc tránh thai đều tác động đến nồng độ hormone trong cơ thể, khiến chu kỳ kinh bị kéo dài hơn bình thường.
- Rối loạn máu: Tình trạng chu kì hành kinh kéo dài cũng có thể là biểu hiện của bệnh rối loạn đông máu hoặc do cơ thể bị thiếu hụt vitamin và khoáng chất.
- Viêm nhiễm vùng chậu: Các bệnh lý viêm nhiễm vùng chậu xảy ra khi vi khuẩn xâm nhiễm vào cơ quan sinh sản. Ngoài việc làm thay đổi kỳ kinh nguyệt, các bệnh lý này còn dẫn đến tiết dịch âm đạo bất thường.
Chu kỳ hành kinh kéo dài có nguy hiểm không?
Tình trạng kinh nguyệt bị kéo dài nếu không được can thiệp và điều trị kịp thời có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe như:
- Làm mất máu và giảm số lượng hồng cầu trong máu, dẫn đến thiếu máu. Các dấu hiệu như da nhợt nhạt, mệt mỏi và yếu ớt.
- Ngoài chảy máu, các chị em còn phải trải qua cơn đau bụng kinh dữ dội kèm chuột rút nghiêm trọng, cần phải đến bệnh viện để được điều trị kịp thời.
- Tình trạng hành kinh kéo dài có thể khiến các chị em cảm thấy không thoải mái và lo lắng.
- Rong kinh khiến vi khuẩn dễ xâm nhập và gây viêm nhiễm nội tiết tố, tổn thương tử cung. Điều này có thể dẫn đến nguy cơ vô sinh hoặc khả năng thụ tinh kém.
Cách điều trị kinh nguyệt bị kéo dài
Sau khi thăm khám lâm sàng, các bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị kinh nguyệt kéo dài an toàn và phù hợp với từng trường hợp.
Sử dụng thuốc
Một số loại thuốc có tác dụng bổ sung lại lượng máu bị thiếu hụt, điều hòa kinh nguyệt và hỗ trợ điều trị chứng rong kinh. Bác sĩ sẽ kê đơn thuốc phù hợp với cơ địa và tình trạng bệnh cụ thể của từng người. Quan trọng là chị em cần tuân thủ đúng liều lượng và tham khảo ý kiến bác sĩ để tránh tác dụng phụ không mong muốn.
Phương pháp ngoại khoa
Với những trường hợp kinh nguyệt kéo dài bắt nguồn từ các bệnh lý phụ khoa thì bác sĩ sẽ thăm khám và đưa ra chỉ định điều trị phù hợp. Đối với những trường hợp này, phương pháp điều trị ngoại khoa sẽ được sử dụng để điều trị dứt điểm, khắc phục chứng rong kinh một cách hiệu quả.
Khắc phục tình trạng kinh nguyệt kéo dài tại nhà
Với những trường hợp kinh nguyệt bị kéo dài do lối sống sinh hoạt hay tâm lý căng thẳng thì có thể điều trị bằng cách điều chỉnh lối sống lành mạnh và cân bằng thông qua một số biện pháp như:
- Điều chỉnh chế độ ăn uống hợp lý, bổ sung các loại thực phẩm chứa nhiều khoáng chất như thịt, cá, rau xanh, trái cây tươi, các loại ngũ cốc,…
- Nghỉ ngơi đầy đủ và ngủ đủ giấc, tránh thức khuya và làm việc quá sức.
- Tránh ăn những đồ ăn cay nóng, đồ ăn chế biến sẵn, đồ ăn chiên rán, đồ ăn có vị chua và đồ uống có chứa chất kích thích.
- Kiêng quan hệ tình dục trong thời gian bị rong kinh, vệ sinh vùng kín sạch sẽ và thường xuyên thay băng khoảng 4 tiếng/lần trong những ngày hành kinh để tránh viêm nhiễm phụ khoa.
Chắc hẳn các chị em đã phần nào hiểu rõ hơn về tình trạng kinh nguyệt kéo dài. Nếu chẳng may gặp phải tình trạng này, các chị em cần đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám và có phương pháp điều trị phù hợp.
Xem thêm:
- Kinh nguyệt đến sớm nguyên nhân do đâu, có sao không?
- Kinh nguyệt kéo dài 15 ngày có sao không? Nguyên nhân gây kinh nguyệt kéo dài 15 ngày
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, tuyệt đối không làm theo hướng dẫn của bài viết.