Khi bầu được 4 tháng cũng là lúc mẹ biết được hình hài và tiếng nhịp tim rộn ràng của bé yêu thông qua siêu âm. Để bé yêu được phát triển toàn diện, mẹ cần dành nhiều thời gian để chăm sóc sức khỏe của bản thân. Trong bài viết này, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu ngay về 6 dấu hiệu nguy hiểm khi mang thai tháng thứ 4 mà mẹ bầu không thể bỏ qua nhé!
Đặc điểm của thai nhi vào tháng thứ 4
Tháng thứ 4 chính là thời kỳ tam cá nguyệt thứ 2, là giai đoạn vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của thai nhi. Tại thời điểm này, cơ thể của em bé đã nặng khoảng 100g và có chiều dài tầm 15cm.
Lúc này, chân tay của trẻ đã phát triển rõ rệt. Cơ thể bé trong tuần thứ 16 cũng được bao phủ bởi một lớp lông tơ mỏng. Khi siêu âm, mẹ còn có thể nhìn rõ được mí mắt, chân mày, lông mi, móng tay và cả tóc của trẻ. Bên cạnh đó, xương và răng của trẻ cũng phát triển một cách cứng cáp hơn.
Theo các chuyên gia, bước vào tháng thứ 4, thai nhi đã có thể cảm nhận được âm thanh từ mẹ do hệ thần kinh và giác quan đã bắt đầu hoàn thiện chức năng. Không những vậy, giới tính của trẻ đã được chẩn đoán chính xác đến 70%. Đối với bé trai, tuyến tiền liệt đã bắt đầu phát triển. Trong khi ở bé gái, buồng trứng đang di chuyển từ vùng bụng xuống vùng hố chậu.
6 dấu hiệu nguy hiểm khi mang thai tháng thứ 4
Cơ thể của mẹ bầu trong tháng thứ 4 không thể tránh được những thay đổi bất thường. Tuy nhiên, nếu phát hiện 6 dấu hiệu nguy hiểm khi mang thai tháng thứ 4 dưới đây, mẹ cần đến thăm khám ngay tại các cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời nhé!
Xuất huyết âm đạo
Mặc dù tình trạng sảy thai rất ít khi xuất hiện vào tháng thứ 4 nhưng vẫn có một tỷ lệ nhỏ mà mẹ bầu khó có thể tránh được. Chảy máu âm đạo dẫn đến sảy thai là một trong những dấu hiệu đặc trưng cảnh báo dấu hiệu nguy hiểm khi mang thai tháng thứ 4.
Sảy thai trong tam cá nguyệt thứ 2 có thể bắt nguồn từ một số nguyên nhân phổ biến sau:
- Vách ngăn tử cung: Đây là một biến chứng thường gặp trong thai kỳ, tạo thành một vách dọc chia tử cung thành 2 phần. Điều này khiến cho thai nhi khó phát triển to hơn, việc sinh nở của trẻ cũng trở nên khó khăn hơn. Từ đó, làm tăng nguy cơ biến chứng trong quá trình mang thai và sinh con.
- Hở eo tử cung: Hở cổ tử cung là tình trạng phần cổ tử cung bị mở rộng một cách bất thường. Căn bệnh này có thể kéo theo nhiều vấn đề về sức khỏe sinh sản, bao gồm: Sảy thai, đột quỵ tử cung và sinh non.
- Mắc bệnh tự miễn dịch: Các bệnh tự miễn như: Lupus, xơ cứng bì,… có thể xảy ra khi hệ miễn dịch của mẹ bầu tấn công các tế bào khỏe mạnh.
- Nhiễm sắc thể của thai nhi phát triển bất thường: Những bất thường trong nhiễm sắc thể có thể ngăn cản sự phát triển của thai kỳ, đặc biệt là trong giai đoạn đầu tiên.
Tiết dịch âm đạo bất thường
Dịch âm đạo tiết ra nhiều bất thường có thể là dấu hiệu của bệnh viêm âm đạo hoặc nhiễm trùng niệu đạo. Căn bệnh này lại càng trở nên rõ ràng hơn khi vùng kín của mẹ có mùi hôi, tanh. Trong một số trường hợp, tiết dịch âm đạo cũng cho thấy mẹ bầu bị sảy thai hoặc chuyển dạ sớm.
Đau nhức xương chậu và âm đạo
Từ khi bắt đầu thai kỳ, xương chậu của mẹ dần giãn nở lớn hơn để tạo điều kiện cho thai nhi đi qua. Vì vậy, việc mẹ cảm nhận được những áp lực đè nén lên vùng xương chậu và âm đạo là điều vô cùng bình thường.
Tuy nhiên, nếu vị trí này xảy ra các cơn đau, đi kèm với đau bụng dưới, chảy máu âm đạo hoặc đau khi đi tiểu, mẹ cần liên lạc ngay với bác sĩ. Trong trường hợp này, rất có thể mẹ đã bị nhiễm trùng tiết niệu, co thắt tử cung, thậm chí là sảy thai.
Đau lưng và bụng dưới
Mẹ bầu thường xuyên bị đau bụng dưới khi mang thai tháng thứ 4 và đau lưng trong hơn 4 lần/giờ cần hết sức cảnh giác về bệnh co thắt tử cung. Tình trạng này có thể xuất hiện ở bất cứ giai đoạn nào của thai kỳ, nhưng phổ biến nhất là trong thời kỳ tam cá nguyệt thứ 2 và thứ 3. Việc co thắt tử cung nhiều lần có thể khiến trẻ bị ngạt thở, dẫn đến sinh non.
Hụt hơi, khó thở
Khi mang thai, cơ thể mẹ bầu cần phải làm việc nhiều hơn để cung cấp đủ oxy cho thai nhi. Điều này khiến cho mẹ bầu rất dễ bị hụt hơi và khó thở. Tuy nhiên, mẹ bầu cần chú ý nếu tần suất hiện tượng này diễn ra ngày một nhiều, đây có thể là dấu hiệu của bệnh tiền sản giật, suy tim hoặc một số bệnh lý về hô hấp như: Viêm phế quản và viêm phổi.
Sốt cao
Tình trạng sốt cao trên 38 độ C và kéo dài có thể gây hại cho sự phát triển của thai nhi. Đồng thời, làm tăng tỷ lệ dị tật bẩm sinh ở trẻ nhỏ. Trong trường hợp này, bạn không nên tự ý uống thuốc hạ sốt mà cần tuân thủ nghiêm túc theo chỉ định của bác sĩ.
Làm sao để thai nhi tháng thứ 4 phát triển an toàn?
Dưới đây là một số lời khuyên mà bạn cần thực hiện để có được một thai kỳ khỏe mạnh:
- Đi khám thai định kỳ để bác sĩ theo dõi sát sao sự phát triển của thai nhi.
- Xây dựng chế độ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, đặc biệt là sắt và canxi.
- Tập thể dục nhẹ nhàng như: Yoga, đi bộ, bơi lội,… để giảm bớt căng thẳng và tăng cường trao đổi chất.
- Nghỉ ngơi đầy đủ, tránh stress và tiền sản giật.
Trên đây là một số dấu hiệu nguy hiểm khi mang thai tháng thứ 4 mà Nhà thuốc Long Châu muốn gửi đến mẹ bầu. Mong rằng với những chia sẻ này, mẹ bầu sẽ có thêm nhiều kiến thức bổ ích để phòng tránh các biến chứng nghiêm trọng có thể xảy ra trong thai kỳ.
Xem thêm: Mẹ bầu cần đọc ngay: Ra máu nâu khi mang thai 5 tuần cảnh báo điều gì?
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, tuyệt đối không làm theo hướng dẫn của bài viết.